Hai phụ nữ làm rạng danh “Làng OCOP”
Trong 99 sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng, “nghệ thuật Rô Băm” là sản phẩm duy nhất về thể loại văn hoá nghệ thuật của tỉnh. Người giữ lửa cho nghệ thuật này là nghệ nhân người dân tộc Khmer Lâm Thị Hương. Chị hiện là Trưởng đoàn kiêm diễn viên chính Đoàn Nghệ thuật Rô Băm thuộc doanh nghiệp tư nhân Đoàn Nghệ thuật Robam Khmer Resmay Bưng Chông, ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề.
Là người đam mê nghệ thuật, nghệ nhân Lâm Thị Hương luôn trăn trở với việc giữ gìn, phát huy nghệ thuật sân khấu cổ này, đặc biệt khi nó đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Vì thế, khi Đoàn được Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội mời ra phục dựng lại sân khấu cổ Rô Băm, chị coi đây là cơ hội để giới thiệu văn hoá đặc trưng của dân tộc mình với du khách. “Khó mấy tôi và đoàn cũng chịu được, nếu điều đó giúp cho nghệ thuật của người Khmer được giới thiệu, quảng bá và có cơ hội lưu truyền lâu dài”, nghệ nhân Lâm Thị Hương nói trong xúc động và tâm huyết.
Sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania xứ Bảy Núi, An Giang của doanh nhân Chau Ngọc Dịu, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền, được phân hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao, đang được xét vào nhóm sản phẩm OCOP 5 sao tiềm năng năm 2020.
Con đường phấn đấu thành doanh nhân của Chau Ngọc Dịu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn), thật đáng khâm phục. Tuổi thơ của cô gái người Khmer sinh năm 1982 này gắn liền với cây thốt nốt, với vùng đất khá đặc biệt là có miền núi giữa đồng bằng. Chứng kiến đời sống đồng bào còn muôn ngàn khó khăn, lúng túng trong hướng làm kinh tế. Câu hỏi: Đường từ cây thốt nốt là đặc sản quê mình sao không thể thành sản phẩm có giá trị. Bỏ nhiều công nghiên cứu, cuối cùng, công không phụ người, chị đã tạo ra hai loại đường thốt nốt sệt và khô, đậm đà hương vị truyền thống, an toàn, tiện cho sử dụng, đặt tên là Palmania.
“Palmania – ấy là đam mê, cũng là khát khao, đồng thời là nguyện vọng của đồng bào. Nhờ chất lượng, sản phẩm được thị trường ngoài nước tìm đến. Hiện Công ty đang xúc tiến sản phẩm tại thị trường châu Âu”, chị Dịu chia sẻ.
Thêm nhiều sản phẩm đặc thù
Hiện nay, cả nước có 61/63 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình OCOP. Đến hết năm 2020, có khoảng 3.843 sản phẩm được chuẩn hóa OCOP (vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm). Bên cạnh đó, cả nước đã có khoảng 3.300 tổ chức kinh tế đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Tổng nguồn lực huy động dự kiến của 3.300 tổ chức kinh tế để sản xuất sản phẩm OCOP đạt gần 10.015 tỷ đồng.
Riêng khu vực miền Tây Nam Bộ, sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước, với hơn 370 sản phẩm. Trong đó, số lượng sản phẩm OCOP đạt 3 sao chiếm gần 62,7% và 33% sản phẩm đạt 4 sao.
Sóc Trăng đang là tỉnh dẫn đầu cả nước, với 99 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, vượt 282% chỉ tiêu đề án đặt ra của tỉnh là 35 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP của Sóc Trăng là những mặt hàng đặc sản có tiếng trên thị trường hiện nay như: Gạo ST, hành tím Vĩnh Châu, lạp xưởng, bánh Pía, tôm đông và các loại trái cây như bưởi, sầu riêng… Hầu hết, sản phẩm đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử ký hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn và tiến tới xuất khẩu. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ phát triển mới và tiêu chuẩn hóa thêm ít nhất 35 sản phẩm, trong đó, có ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia.
An Giang hiện có 37 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP đạt 4 sao như Cá Linh kho mía, mắm cá Linh chưng, đường thốt nốt sệt Palmania, sản phẩm tương hột, bánh hạnh nhân, nước màu thốt nốt nguyên chất, đường thốt nốt cô đặc MOUN7AINS và 5 sản phẩm đặc trưng từ gạo, đường thốt nốt có tiềm năng đạt sản phẩm OCOP 5 sao.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, so với các địa phương trong khu vực, sản phẩm OCOP của An Giang là chưa nhiều, nhưng chương trình đang được lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều hoạt động sản xuất hàng hóa tại địa phương, nhất là sản xuất từ nguyên liệu đặc sản.
Bến Tre có 37 sản phẩm OCOP được trao chứng nhận vào đầu năm 2020. Đáng chú ý, kết quả khảo sát một số sản phẩm tiêu cho thấy, mỗi huyện, thành phố trong tỉnh đều có những sản phẩm, dịch vụ tiềm năng, thế mạnh riêng…
Tương tự, Bạc Liêu, trong 52 sản phẩm OCOP. Đặc biệt, Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được Hội đồng thẩm định đánh giá đạt chuẩn 4 sao trong lĩnh vực du lịch.
Tại Hội nghị đánh giá Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, khu vực phía Nam, tổ chức tại An Giang vào tháng 11/2020, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định: Chương trình OCOP đã và đang lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình OCOP, không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân mà còn tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình; là cơ hội nâng cao vị thế, vai trò những người yếu thế trong đồng bào DTTS...