Tài sản vô giá
Như các kỳ báo trước đã phản ánh, hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới chính là hoạt động đối ngoại Nhân dân đem lại kết quả thiết thực. Qua đó, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc hai bên biên giới về ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia của mỗi nước.
Nhân dân hai bên tự giác chấp hành hiệp định, quy chế biên giới, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, xây đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa Nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt. Thông qua các hoạt động đối ngoại Nhân dân cũng là để kịp thời phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhằm phá hoại tiến trình phân giới cắm mốc, cũng như chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Với ý nghĩa đó, mô hình kết nghĩa cụm dân cư đã được nhân rộng trên toàn tuyến biên giới trên đất liền của nước ta. Khởi đầu tư mô hình kết nghĩa bản với bản của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị năm 1994, sau được gọi là phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, đến nay, theo tổng hợp của Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh BĐBP, tại 21/25 tỉnh biên giới trên đất liền đã có 207 cặp cụm dân cư kết nghĩa; trong đó tuyến Việt Nam - Trung Quốc có 59 cặp, Việt Nam - Lào có 103 cặp, Việt Nam - Camphuchia có 45 cặp.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là, chương trình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới hiện mới chỉ dừng lại ở phong trào, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 34/CT-BTL ngày 24/6/2003 của Bộ tư lệnh BĐBP về phong trào tự quản đường biên cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới. Vì vậy, việc huy động nguồn lực, nhất là từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ, động viên kịp thời Nhân dân ở các cụm dân cư kết nghĩa còn nhiều hạn chế.
Thực tế cho thấy, để phục vụ hoạt động đối ngoại Nhân dân thông qua mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới (tổ chức ký kết, giao lưu, sơ kết, khen thưởng,…) thì các địa phương đều phải nỗ lực xoay xở. Theo ước tính sơ bộ, một huyện biên giới cần ít nhất 100 triệu đồng/năm để duy trì một cặp bản kết nghĩa. Đó là chưa kể, ở mỗi cụm dân cư kết nghĩa, nhất là ở tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, nội dung hỗ phát triển sản xuất, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh ở người và vật nuôi... cho phía bạn thường được đặt ra trong các văn bản ký kết.
Để giải bài toán này, các địa phương triển khai mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, với sự trợ giúp của lực lượng BĐBP, đã chủ động xã hội hóa nguồn lực. Tỉnh phân công các địa phương, sở ngành đỡ đầu và vận động doanh nghiệp tài trợ để triển khai chương trình kết nghĩa. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời; về lâu dài cần triển khai mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” dưới góc độ một chương trình quy mô từ ngân sách Nhà nước để nhân rộng mô hình này trên toàn tuyến biên giới đất liền.
“Gia cố” vùng phên giậu
Quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước. Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị khóa XII xác định mục tiêu chung là: Xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng định hướng công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng liên quan về vấn đề này trong tình hình mới. Cụ thể là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch... xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia... Củng cố đường biên giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng”.
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 10/2022, TS. Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, cho rằng, để xây dựng vùng biên vững mạnh toàn diện, chính quyền các cấp cần xây dựng chính sách ưu tiên, ưu đãi về kinh tế - xã hội đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới; nghiên cứu, đầu tư xây dựng các công trình vừa phục vụ quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phục vụ đời sống, sinh hoạt của cư dân biên giới; đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị khu vực cửa khẩu; thực hiện quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền, quy hoạch kinh tế vùng biên giới cho từng tỉnh, từng tiểu vùng (cả về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo ba cấp độ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn).
Đồng thời, tăng cường hoạt động đối ngoại với các nước có chung biên giới có ý nghĩa củng cố, phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, thực hiện chính sách mở cửa, mở rộng hợp tác địa phương, giao lưu, hợp tác thương mại biên giới, từ đó phát triển kinh tế vùng biên trên mọi lĩnh vực.
Mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” qua thực tiễn triển khai đã chứng minh được hiệu quả trong thực hiện mục tiêu xây dựng vùng biên hòa bình, hữu nghị và phát triển. Việc nhân rộng mô hình này là rất cần thiết để vùng biên vững về quốc phòng – an ninh, mạnh về phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi vậy, Chính phủ cần ưu tiên bố trí ngân sách cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, vùng đồng bào DTTS; thống nhất chỉ đạo các tỉnh tuyến biên giới đất liền trong việc xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí hằng năm bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới phát triển bền vững.