Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên: Quốc hội phê duyệt Đề án là phù hợp với lòng dân.
Các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS&MN thời gian qua có ý nghĩa rất sâu sắc, có tác động tích cực, góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, diện mạo vùng DTTS&MN đã thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng còn rất nhiều khó khăn. Do đó, Chính phủ xây dựng Đề án trình Quốc hội phê duyệt để triển khai thực hiện là phù hợp với lòng dân. Việc triển khai thực hiện Đề án sẽ thúc đẩy tốt hơn sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ ở vùng này, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Tạo cơ hội để đồng bào thoát nghèo, tự lực vươn lên, xây dựng vùng DTTS&MN phát triển và hội nhập.
Ông Vũ Mạnh Hà, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang: Kỳ vọng việc thực hiện Đề án sẽ giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay ở vùng DTTS&MN.
Là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, với phần lớn dân số là đồng bào DTTS sinh sống, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoàng Su Phì rất vui mừng khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án với số phiếu đại biểu tán thành rất cao. Chúng tôi rất kỳ vọng việc thực hiện Đề án trong thời gian tới sẽ giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay ở vùng DTTS&MN nói chung, huyện Hoàng Su Phì nói riêng.
Với mục tiêu, giải pháp đặt ra trong Đề án, chúng tôi tin tưởng và mong muốn rằng, việc triển khai thực hiện Đề án sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện rõ rệt đời sống đồng bào DTTS, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Ông Hồ Văn Nhun, Người có uy tín khu phố 4, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam: Vui mừng vì chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đối với vùng DTTS&MN đã có nhiều thay đổi tích cực
Tôi đã theo dõi, lắng nghe Quốc hội thảo luận Đề án và thấy rằng Đề án nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ các đại biểu Quốc hội. Sau lời phát biểu tiếp thu, giải trình của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, các đại biểu đã liên tục vỗ tay tán thành. Tôi cũng như đồng bào DTTS ở huyện miền núi Phước Sơn rất phấn khởi khi Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án. Chúng tôi vui mừng vì chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đối với vùng DTTS&MN đã có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận tích cực với cơ chế phù hợp.
Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, Đảng, Nhà nước quan tâm đến các chính sách về bố trí, quy hoạch lại dân cư, giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS… Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS; tạo mọi điều kiện để đồng bào DTTS phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Mục tiêu cụ thể của Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đến năm 2025: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm giảm trên 3%. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông. 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương...
Định hướng mục tiêu đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030…