Theo Ban Tổ chức, Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày, ngày 5 - 7/2 (tức ngày 15 -17 tháng Giêng), có 20 ông Cầu (tên gọi tôn kính mà người dân địa phương dành gọi trâu chọi) đại diện cho các tổ dân cư tại địa phương, chia thành 10 cặp đấu. Ngày đầu tiên Lễ hội diễn ra an toàn, không phát sinh những sự cố ngoài ý muốn.
Trước đó, ngày 15 tháng Giêng, Ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu cùng các chủ trâu đã tiến hành Lễ Tế Thành Hoàng tại đền thờ Thừa tướng Lữ Gia, chính thức Khai mạc Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu mùa Xuân năm 2023.
Ngay trong ngày đầu diễn ra Lễ hội, ngày 6/2, ước tính đã có hơn 1 vạn du khách từ khắp các địa phương trong cả nước đến tham dự. Công tác tổ chức lễ hội đã được xây dựng kỹ lưỡng, các lực lượng chức năng đã lên phương án phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội. Sẵn sàng các phương tiện chuyên dụng để xử lý các tình huống phát sinh.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, hàng rào và cổng ra vào sới chọi được bố trí kiên cố, vững chắc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội.
Có nhiều câu chuyện lý giải nguồn gốc của Lễ hội chọi trâu truyền thống ở Bạch Lưu, Hải Lựu, Sông Lô. Tương truyền, lễ hội chọi trâu đã có từ thế kỷ II trước công nguyên, khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt. Lúc ấy Thừa tướng Lữ Gia đã lui binh về vùng núi Hải Lựu, sông Lô để tổ chức kháng chiến. Điều đáng ghi nhận là cứ sau mỗi trận thắng, ông lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ. Trâu sau khi chọi đều được đem mổ thịt để khao quân. Khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu đã tôn ông làm Thành hoàng làng và hội chọi trâu được duy trì như một hình thức tiếp nối truyền thống anh hùng của các bậc tiền nhân.
Lại có một truyền thuyết khác cho rằng, một buổi sớm mai, bên bến sông Lô thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô ngày nay, có người đã trông thấy hai con trâu trắng đánh nhau túi bụi rồi cùng nhảy xuống dòng sông biến mất. Từ đó dân làng gọi bến sông này là bến Ảnh, làng cũng được gọi là làng Bạch Ngưu (trâu trắng) và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu từ đó.
Tính đến năm 2023, Lễ hội được khôi phục 21 năm, trở thành một lễ hội nổi tiếng, ngày càng được nhiều người biết đến. Để lễ hội diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung lễ hội, UBND huyện Sông Lô phối hợp cùng các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp như bảo đảm an ninh, trật tự; an toàn xã hội; phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông; an toàn sới chọi; vệ sinh môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Chi phí tổ chức Lễ hội, được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Toàn bộ các diễn biến phần Lễ, các khắp đấu phần Hội được truyền hình trực tiếp trên các Fanpage địa phương và các trang truyền thông lân cận. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu sẽ bế mạc vào cuối ngày 7/2.