Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia nghèo, kém phát triển đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình, đã sớm hoàn thành nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng về xóa đói giảm nghèo. Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột. Về kinh tế, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Cùng với đó, thu nhập của người dân đã tăng từ mức 94 đô la Mỹ vào năm 1990 lên gần 2.400 đô la Mỹ năm 2017. Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình.
Về xã hội, nhờ tăng trưởng kinh tế cao và chính sách phân phối hiệu quả, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã giành được nhiều thành quả ý nghĩa. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện đã giảm còn 7% vào cuối năm 2017. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên đạt khoảng 73,5 tuổi-thuộc nhóm cao nhất thế giới. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có chỉ số Hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Về môi trường, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) nhìn nhận Việt Nam là quốc gia tiên phong thực hiện mô hình thành phố bền vững và đây được xem là hình mẫu nhân rộng cho nhiều quốc gia khác.
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2018 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0” tại Hà Nội. Hội nghị đã tái khẳng định vai trò tối quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, phát triển bền vững không thể chỉ trong giới hạn lãnh thổ mỗi quốc gia, mà đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các quốc gia, bằng nỗ lực toàn cầu. Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, tầm quan trọng của doanh nghiệp cũng như sự đồng thuận và nỗ lực của tất cả các thành phần trong xã hội, các bên liên quan cũng như sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế để đưa Việt Nam tăng tốc và trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong vòng hai thập niên tới.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, để thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần tận dụng và phát huy hiệu quả các lợi thế vốn có như: thể chế, con người, sản xuất vật chất và vốn tự nhiên, song song với việc nắm bắt các xu hướng lớn và đảm bảo cỗ máy tạo việc làm hoạt động trơn tru, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người, cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, ngành và toàn xã hội.... Đến nay, Việt Nam vẫn luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới yêu cầu cao trong phát triển bền vững. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.
THANH HUYỀN