Ngày 14 - 15/7, tại Quảng Ninh, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA); Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế đã tổ chức Tập huấn báo chí về kỹ năng viết về bạo lực giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án: “Chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại châu Á từ 2020 - 2022”.
Tại lớp Tập huấn các chuyên gia đến từ UNFPA, Tổng cục Dân số, Kế hoạch hoá gia đình đã cập nhật tình hình bạo lực trên cơ sở giới tại châu Á, Việt Nam; khung pháp lý và các can thiệp về bạo lực giới, lựa chọn giới trên cơ sở định kiến giới…; những kinh nghiệm hay trong giải quyết, giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, lựa chọn giới tính.
Cố vấn về giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, UNFPA, Upala Devi cho biết, ưa thích con trai là một thực hành có hại phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới ăn sâu trong một số xã hội dưới hình thức hạ thấp giá trị phụ nữ và trẻ em gái. Chế độ phụ hệ củng cố tâm lý ưa thích con trai và môi trường bạo lực, phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội. Tâm lý này khiến cho tỷ số giới tính khi sinh nghiêng về con trai trở nên phổ biến ở một số quốc gia - mà nguyên nhân chủ yếu đến từ thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Mỗi năm, tại Việt Nam có gần 46.000 bé gái không có cơ hội được sinh ra. Con số "đáng báo động" này được bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia về giới và nhân quyền - Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nêu ra tại lớp "Tập huấn báo chí kỹ năng viết về chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới".
Phân tích về kết quả này, theo bà Quỳnh Anh, số liệu điều tra năm 2019 chỉ ra tỉ lệ giới tính khi sinh tại Việt Nam đạt mức là 111.5 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong khi đó, tỉ lệ sinh "tự nhiên" là 105 - 106 trẻ trai/100 trẻ gái. Tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới có thể nhìn nhận trực tiếp qua "tỷ số giới tính khi sinh" và tỷ số này của Việt Nam hiện cao thứ 3 trên thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Bên cạnh việc cập nhật thông tin, những kinh nghiệm khi sử dụng số liệu, hình ảnh bảo vệ quyền nhân thân, quyền riêng tư của nạn nhân, cũng như người liên quan trong quá trình phỏng vấn, khai thác thông tin; thông điệp của tác phẩm báo chí, nhất trong bối cảnh thế giới kết nối công nghệ trực tuyến… cũng được các chuyên gia và đại diện các cơ quan thông tấn trao đổi.
Chuyên gia quốc tế về Giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, UNFPA Sujata chia sẻ, có 4 nguyên tắc khi tiếp cận vấn đề bạo lực, bao gồm bảo mật (bảo vệ họ tên, danh tính của nạn nhân; nhận thức hành vi vi phạm có thể trở thành vấn đề sự sống hoặc cái chết); tôn trọng quyền quyết định của nạn nhân; không phân biệt đối xử, không định kiến khi làm việc với nạn nhân; an toàn, đánh giá hậu quả có thể xảy ra, đừng bao giờ cho rằng bạo lực sẽ không tái diễn. Để có thể thực hiện các nguyên tắc này, đòi hỏi nhà báo phải có kỹ năng rất đặc biệt, hiểu biết văn hoá truyền thống của mỗi quốc gia, và điều kiện KT-XH của quốc gia đó.