Nền tảng duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển khu vực biên giới
56 năm qua (kể từ ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử chung của hai dân tộc) là một giai đoạn phát triển quan trọng trong quan hệ hai nước, được đánh dấu bởi những sự kiện lịch sử không thể quên khi hai nước cùng đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước.
Với việc hoàn tất trao đổi văn kiện phê chuẩn “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Nghị định thư phân giới cắm mốc), thành quả phân giới cắm mốc đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/12/2020 và đi vào đời sống chính trị của hai nước. Việc ký kết hai văn kiện pháp lý này có ý nghĩa to lớn, đặt nền tảng để hai bên duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân, xây dựng vùng biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị là giải pháp căn cơ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia.
Ngày nay, quan hệ hai nước Việt Nam và Campuchia đã bước sang giai đoạn hợp tác toàn diện, cùng có lợi, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương trên tất cả các kênh. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước càng chặt chẽ và thực chất. Hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng tiếp tục được tăng cường; hai bên kiên định nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này gây phương hại cho an ninh và lợi ích của nước kia...
Trên cơ sở các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và Nhân dân địa phương biên giới hai bên đã và đang nỗ lực xây dựng đường biên giới chung hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Năm 2019, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% và hiện đang tiếp tục đàm phán, giải quyết 16% còn lại.
Vun đắp mối quan hệ Việt Nam- Campuchia đời đời bền vững
Ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chỉ với 31 hộ dân nhưng được nhiều người biết đến vì bà con nơi đây sống rất gần gũi, hòa thuận với các hộ dân ấp Pou Thmei, xã Kao Sampov, huyện Ream Chor tỉnh Pray Veng, Vương quốc Campuchia. Ranh giới để phân định lãnh thổ giữa hai nước là cột mốc biên giới số 235.
Trò chuyện với chúng tôi về đường biên, cột mốc, ông Huỳnh Văn Dệ, Tổ phó bảo vệ an ninh ấp Tân Hòa tự tin: Vì tôi ở đây từ bé nên rành rẽ từng tấc đất. Đường biên giới, cột mốc đã được phân định nên cả hai bên đều phải có ý thức giữ gìn.
Còn với bà Ziên, ở ấp Pou Thmei, xã Kao Sampov, huyện Ream Chor, tỉnh Pray Veng thì hơn 14 năm qua, hầu như ngày nào cũng ra quét dọn cột mốc biên giới. Bà Ziên chia sẻ: “Tôi quét từ khi cột mốc này mới được khánh thành (2009) cho tới nay. Ngày nào tôi cũng quét cho sạch sẽ. Cột mốc quốc gia là của chung nên mình phải có ý thức giữ gìn”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Minh, Chính ủy BĐBP Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp có đường biên giới dài trên 50km, tiếp giáp với tỉnh Prây Veng, Campuchia. Đến nay, tỉnh đã xây dựng xong 16/16 cột mốc chính và 126/126 mốc phụ, 30/30 cọc dấu. Đồng thời, các đơn vị thuộc BĐBP Đồng Tháp còn thường xuyên phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Nhân dân hai bên biên giới…
Còn tại huyện biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, thời gian qua lực lượng BĐBP đã phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn thành lập 5 Tổ Phụ nữ tuyên truyền, vận động bảo vệ đường biên, cột mốc, hỗ trợ đắc lực cho BĐBP trong việc quản lý địa bàn, giữ vững chủ quyền biên giới. Qua đó, giúp người dân khu vực biên giới nói chung, phụ nữ nói riêng nâng cao nhận thức về quy chế, quy định biên giới.
Bà Bùi Thị Bé Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành khẳng định: Việc thành lập các Tổ Phụ nữ tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Những năm qua, tại 133 xã, phường, thị trấn thuộc 36 huyện, thị xã, thành phố biên giới giáp với Campuchia đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Già làng, trưởng bản gương mẫu”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... Qua đó, đã có hàng ngàn tổ và hàng chục ngàn cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc.
Với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, quyết tâm duy trì môi trường hoà bình, ổn định để phát triển, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia sẽ tiếp tục phát triển, mang lại nhiều kết quả thiết thực theo đúng phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.