Nhiều lao động đã tìm được việc làm mới
Trở về quê nhà né dịch, chị Nông Thị Liên Liên ở thôn 7, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút (Đắk Nông) luôn trăn trở, mong hết dịch để quay lại phía Nam mưu sinh. Nhưng áp lực cuộc sống, với bao khoản chi tiêu của gia đình đã khiến chị phải đôn đáo tìm việc làm ngay. Sau nhiều ngày nhờ bạn bè “mối lái”, chị Liên đã có được việc làm mới ở quê nhà.
Chị Liên tâm sự: Tôi vừa được nhận vào làm việc trong một công ty tại Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), với mức lương khởi điểm 4,5 triệu đồng/tháng. Thế là cũng tạm ổn để lo cho các con, quan trọng hơn là làm việc gần nhà, tiện nhiều bề lại đỡ chi phí thuê trọ…
Dịch Covid-19 bùng phát khiến vợ chồng chị Lương Thị Nga ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) làm công nhân tại Bình Dương gặp khó khăn. Sau 3 tháng cầm cự, cuối cùng gia đình chị quyết định về quê tránh dịch, tìm công việc mới. Qua tìm hiểu, chị Nga được biết Công ty CP May Five Star đóng trên địa bàn huyện Hương Sơn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động đúng với chuyên môn và chị đã đến ứng tuyển.
Chị Nga phấn khởi cho biết: Một tháng ở Công ty CP May Five Star, nếu không tăng ca cũng đã được 6 triệu đồng. Trong kia thì phải thuê phòng trọ, còn ngoài này thì không có mất tiền thuê phòng trọ, ăn ở gần nhà...
Bên cạnh những lao động tự tìm được việc làm mới tại quê nhà, nhiều lao động khác cũng đã có được việc làm phù hợp nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các ban ngành.
Ông Nguyễn Quang Trung ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), là một trong số đó. Ông Trung là lao động hồi hương, gặp khó khăn về nguồn vốn để tạo việc làm mới. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là sự hỗ trợ từ phía hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), với gói vay ưu đãi 100 triệu đồng đã giúp ông mạnh dạn đầu tư, làm ăn trên chính quê hương mình. Ông Trung cho biết: Gia đình có đất đai, cơ sở vật chất, nay được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, tôi đã phát triển chăn nuôi theo mô hình vườn ao chuồng (VAC).
Chỉ tính riêng huyện Bố Trạch (Quảng Bình), đã có tới gần 200 hộ gia đình vừa trở về từ các tỉnh thành phía Nam có nhu cầu vay vốn. Việc vay không cần thế chấp tài sản, đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này, trong việc tự tạo việc làm mới ở quê nhà.
Nhiều địa phương cũng đã quan tâm đến việc tạo việc làm mới cho người lao động hồi hương, thông qua khảo sát nhu cầu việc làm của các lao động hồi hương trước khi kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ngay tại tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh, thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm (GDVL) Online theo định kỳ hàng tháng. Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thanh Hương cho hay: Ngoài tổ chức nhiều cuộc GDVL trực truyến, thông tin của người lao động cũng đã được gửi đến các sàn giao dịch để tăng cường thêm cơ hội. Mặt khác, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đang có chủ trương thu hút thêm nhiều dự án, nhà máy trên địa bàn tỉnh là cơ hội lớn cho con em hồi hương có việc làm, sớm ổn định cuộc sống.
Cần sự quyết tâm thay đổi cùa người lao động
Thực tế hiện nay, tỷ lệ lao động hồi hương chưa có việc làm vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân là do nhiều lao động còn có tư tưởng muốn quay lại các tỉnh phía Nam, nhiều lao động “chê” thu nhập ở quê nhà thấp, nhiều lao động tìm được việc làm nhưng không phù hợp năng lực…
Ngoài ra, nhiều tỉnh thành có chủ trương kiểm soát chặt chẽ lao động ngoại tỉnh, dẫn tới người lao động khó tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, nhiều lao động chưa tìm được việc làm là do chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo quy định dẫn tới doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng tiếp nhận. Điều này đang hàng ngày, hàng giờ gia tăng áp lực lên các cấp chính quyền sở tại.
Số liệu khảo sát từ Trung tâm DVVL tỉnh Nghệ An cho thấy, đến hết tháng 11, toàn tỉnh có 45.292 lao động hồi hương đăng ký nhu cầu tìm việc với các địa phương. Hiện nay, trung tâm đã kết nối, khảo sát tại 278 doanh nghiệp, xác định được 68.000 vị trí việc làm cần tuyển. Trong đó, 230 doanh nghiệp trong tỉnh tuyển 37.554 lao động và 48 doanh nghiệp ngoại tỉnh đăng ký tuyển 30.362 lao động.
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐTB&XH Nghệ An trao đổi: Với khoảng 25.000 lao động trong tổng số trên 45.000 lao động hồi hương có nhu cầu cần việc làm trong tỉnh, ngành Lao động có thể kết nối được ngay. Nhưng, do phần lớn lao động hồi hương lâu nay làm nghề tự do, không qua đào tạo, nên để được doanh nghiệp tuyển dụng, người lao động phải chủ động đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thể hiện quyết tâm thay đổi để thích ứng với việc làm mới.
Tại Hà Tĩnh, áp lực việc làm cho lao động hồi hương cũng đang rất lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 20.000 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê, dẫn đến việc làm, an sinh xã hội cho người hồi hương đang là bài toán khó, cần được từng bước tháo gỡ. Để tháo gỡ, Hà Tĩnh đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó, tập trung ưu tiên tạo việc làm mới cho đồng bào DTTS và lao động hồi hương có nhu cầu làm việc trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Địa phương đã có kế hoạch đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm để người lao động trở về quê hương có việc làm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng lao động giải quyết việc làm cho người hồi hương.
Với phương châm “không để người hồi hương ở lại phía sau”, mỗi địa phương sẽ có một cách làm, một giải pháp để nỗ lực cùng nhau giải bài toán việc làm, an sinh xã hội cho người lao động.