Mỗi địa phương một cách làm, một giải pháp khác nhau nhưng đều giải bài toán chung: Việc làm an sinh xã hội cho lao động hồi hương. Trong thực tiễn, đã có nhiều cách làm hay có thể nhân lên, triển khai trên toàn quốc để giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội cho người hồi hương.
Trao “cần câu” cho người hồi hương
Đa phần người lao động vùng miền núi, vùng DTTS ở Nghệ An vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ trở về quê hương, là những lao động ở vùng nông thôn. Hầu hết chưa qua đào tạo nghề mà chỉ làm việc dựa trên kinh nghiệm ở một nghề, một lĩnh vực nào đó. Khi trở về quê, họ nhanh chóng hòa nhịp với nghề nông nghiệp mà trước đây họ đã từng gắn bó. Để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho những người hồi hương, cách tốt nhất, nhanh nhất vẫn là tạo “cần câu” cho họ ngay tại quê nhà.
Con Cuông là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, toàn huyện có 3.600 người trở về quê hương, trong đó có 1.630 lao động. Đến thời điểm này, huyện đã thống kê, khảo sát nhu cầu, khả năng của người lao động cụ thể, để đưa ra giải pháp phù hợp nhất đối với từng lao động.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Con Cuông chia sẻ: "Do địa phương có ít nhà máy, doanh nghiêp, nên chủ yếu bố trí việc làm cho người hồi hương tại chỗ. Địa phương sẽ tập trung vào chính sách cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ cây, con giống cho bà con tăng gia sản xuất. Bà con hồi hương rồi thì cũng coi là nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương...".
Là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, Kỳ Sơn có hơn 80% dân số là người DTTS. Trong những đợt đón con em hồi hương, Kỳ Sơn có hàng ngàn lao động trở về quê hương. Chính quyền địa phương đã vận động nguồn xã hội hóa, trích quỹ dự phòng để mua bò, lợn giống hỗ trợ người hồi hương có “cần câu” tạo việc làm, sớm ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn đang lên kế hoạch khảo sát, bàn giao cho địa phương 72.000 ha rừng để giao lại cho người lao động hồi hương. Khi được giao đất, người lao động hồi hương có tư liệu sản xuất, sẽ tạo ra nhiều mô hình kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều người. Không những phát triển kinh tế, diện tích rừng được giao cũng được quản lý chặt chẽ, theo đó an ninh vùng biên cũng được bảo đảm.
UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã kêu gọi được dự án “Phát triển du lịch cộng đồng bản địa” do tổ chức phi chính phủ đầu tư, triển khai tại hai xã Mường Lống và Hồi Tụ. Sau khi triển khai và đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo ra hàng trăm việc làm cho người dân trên địa bàn và người hồi hương. Đây là những giải pháp có tính thực tiễn rất cao trong việc trao “cần câu” cho lao động hồi hương ở huyện miền núi Kỳ Sơn.
Kêu gọi doanh nghiệp sử dụng lao động hồi hương
Không giống như huyện miền núi Kỳ Sơn, Yên Thành là huyện bán sơn địa của tỉnh Nghệ An. Đời sống bà con chủ yếu dựa vào sản xuất lúa nước, số lao động ly hương trong nhiều năm qua cũng rất lớn. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, Yên thành có 8.228 lao động hồi hương. Bài toán an sinh xã hội, việc làm cho lao động hồi hương ở Yên Thành cũng đang từng bước được giải.
Theo khảo sát của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành, số lao động hồi hương lần này chủ yếu ở lại quê hương để tìm việc làm mới. Lợi thế của Yên Thành là có nhiều công ty, tập đoàn hoạt động trên địa bàn sử dụng nhiều lao động. Tập đoàn An Hưng, Nhà máy may Nhật Bản, Nhà máy gạch Tuy Nen… đã tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho lao động địa phương. Khi người lao động hồi hương, UBND huyện cũng có nhiều giải pháp bố trí việc làm, để họ sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Công Chúc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Yên Thành cho biết: Chính quyền địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên sử dụng lao động về quê, để họ sớm ổn định cuộc sống. Cụ thể Nhà máy may MLB - Nhật Bản (thị trấn Yên Thành) và nhà máy may của Tập đoàn An Hưng (xã Công Thành)… Nhìn chung các doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng. Hiện nay, huyện đã gửi danh sách lao động hồi hương phù hợp với từng ngành nghề đến các doanh nghiệp trên địa bàn, để chủ sử dụng lao động cân nhắc”.
Nhà máy may của Tập đoàn An Hưng ở xã Công Thành có công suất sử dụng hơn 8.000 lao động. Hiện nay Nhà máy vẫn đang nhận hồ sơ, tiếp nhận người lao động, trong đó ưu tiên lao động từ miền Nam về.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, đại diện lãnh đạo Tập đoàn An Hưng chia sẻ: “Người lao động ở Yên Thành và một số huyện lân cận như Đô Lương, Diễn Châu, Tân Kỳ… về quê, Tập đoàn sẽ ưu tiên tiếp nhận hết. Với mức lương cơ bản cao, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ; ngoài ra có nhiều chế độ đãi ngộ khác, giúp người lao động ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà, không phải tha hương mưu sinh”.
Chị Phạm Thị Đức (lao động ngành may ở Bình Dương về) ở xóm 6, xã Công Thành, huyện Yên Thành phấn khởi cho biết: “Em vừa được nhận vào Nhà máy may An Hưng để làm việc. Khi được tiếp nhận vào đây, em được hưởng lương cơ bản hơn 4,5 triệu đồng, ngoài ra còn có nhiều chế độ khác như ăn uống, xăng xe… Em mừng lắm”.
Không chỉ chị Đức, nhiều lao động khác sau khi hồi hương, hoàn thành cách ly phòng dịch theo quy định đã có việc làm ổn định tại Nhà máy may An Hưng. Sau khi tiếp nhận, công nhân được tiêm vắc xin, phòng dịch, cuộc sống dần đi vào ổn định, không phải lo ly hương mưu sinh.
Được biết, Tập đoàn An Hưng đã triển khai xây dựng thêm một nhà máy may ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, có công suất sử dụng lao động lên đến 10 - 12 ngàn người. Dự kiến khi đi vào hoạt động vào tháng 6/2022, đây sẽ là cơ hội việc làm lớn cho người lao động hồi hương trên địa bàn huyện Yên thành và vùng phụ cận.