Theo quan niệm của đồng bào Tày ở Trùng Khánh thường có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Việc dựng nhà đá cũng xuất phát từ những quan niệm thiêng liêng đó.
Lý do khác nữa khiến cho người Tày nơi đây xây nhà bằng đá là do họ sống ở vùng biên giới, có nhiều thú dữ và thường xảy ra nạn trộm cướp nên đồng bào Tày đã sáng tạo ra cấu trúc nhà sàn xây bằng đá. Họ hy vọng các thành viên sống trong nhà đá sẽ tránh được rủi ro.
Qua lời kể của người dân nơi đây, những ngôi nhà sàn đá cổ này có từ rất lâu đời, khoảng những năm 1594 – 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước. Làng có 14 căn nhà sàn bằng đá trải rộng khoảng 10.000m2, dựa lưng vào núi đá, phía trước là dòng suối Khuổi Ky. Nét kiến trúc độc đáo cổ kính của ngôi làng này, khác biệt hoàn toàn với những ngôi làng thường thấy của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở vùng Đông Bắc.
Để xây dựng một ngôi nhà đá, đồng bào Tày phải mất rất nhiều công sức. Bắt đầu từ khi có ý định dựng nhà, họ đã phải chuẩn bị nguyên liệu trước đó vài năm. Nguyên liệu quan trọng nhất để dựng nhà chính là những viên đá cứng, đẹp. Những bức tường kiên cố được xếp từ hàng vạn viên đá lớn, nhỏ khác nhau bằng một thứ keo kết dính trộn từ vôi và cát.
Để dựng được một bức tường gạch chỉ mất vài ba ngày, nhưng để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng. Những bức tường đá kiên cố thể hiện rõ sự sáng tạo độc đáo, sự khéo léo từ đôi bàn tay của đồng bào Tày nơi đây.
Việc chọn địa điểm dựng nhà cũng được cân nhắc cẩn thận. Nơi dựng nhà thường là những nơi cao ráo, lấy chân núi làm điểm tựa, hướng mặt về phía có cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống.
Ông Nông Văn Phú, người dân làng đá cho biết: Mỗi ngôi nhà sàn đá xây dựng cân bằng với số lượng thành viên trong gia đình. Gia đình nhiều người thì dựng nhà to cao, ít người thì dựng nhà nhỏ. Chiều cao của nhà thường từ 7 – 8m. Nhà thường có ba gian chính, mỗi gian có một chức năng nhất định thuận tiện cho việc sinh hoạt. Nhà sàn đá được lợp bằng ngói âm dương, loại ngói do chính đồng bào Tày nơi đây tự sản xuất.
Với những nét độc đáo riêng biệt, các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng đã đầu tư tôn tạo, bảo tồn làng đá cổ. Ông Trần Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy cho biết: Năm 2010, làng đá Khuổi Ky được ngành Văn hóa tỉnh đầu tư sửa chữa để khai thác phát triển du lịch. Từ năm 2017, làng Khuổi Ky đã bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng, tiếp đón hàng nghìn du khách đến thăm quan mỗi năm. Từ đó, góp phần giúp đồng bào có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Một số hình ảnh về làng đá Khuổi Ky: