Tôi hân hoan kể cho các bạn nghe khi về quê tôi được ngoại cho ăn cỏ, bọn chúng nó cứ há hốc miệng, tròn xoe mắt ngạc nhiên. Lần đầu tiên nghe má tôi rủ dì Ba đi hái cỏ mần trầu về ăn, tôi cũng ngạc nhiên y hệt các bạn, tôi nghĩ cỏ là dành cho trâu, bò, thỏ... Sao người lại ăn cỏ? Tôi tò mò theo má với dì Ba ra bãi đất hoang phía sau ruộng bắp của nhà ngoại cắt cỏ về ăn.
Sáng sớm, khi sương còn đọng trên những bông hoa trắng tím li ti, cái không khí đồng nội thơm dịu nhẹ lâng lâng, hai chị em tôi tung tăng trên bờ đê phía sau má và dì Ba. Hừng đông đỏ hồng bên phải, bờ tre phía bên trái vút cong gọng vó. Trước mặt là đồng lúa ngát xanh, điểm những cánh cò trắng chấp chới đẹp yên bình. Từng cụm cỏ mần trầu mơn mởn xanh. Cỏ mần trầu thuộc họ nhà lúa nên mọc thành bụi cao khoảng một đến hai gang tay, thân mọc thẳng, nhẵn bóng, phân nhánh từ gốc thành nhiều gié khác nhau, rễ chùm màu trắng. Má tôi nói chỉ nên hái trên đất nhà để bảo đảm không bị nhiễm thuốc trừ sâu hay diệt cỏ, tránh nguy hiểm đến sức khỏe. Tôi cứ gọi hỏi má: "Bụi này đúng mần trầu không má?", tôi lo lắng sợ hái nhầm loại cỏ độc. Dù chỉ chọn cắt đọt non nhưng chỉ một chốc là được rổ đầy, tôi hí hửng bưng về nhà.
Sau khi ngâm nước muối, rửa thật sạch, ngoại chần cỏ qua nước sôi rồi vớt ráo. Cỏ được xốc cùng hành phi thơm nức và rưới nước mắm chanh, tỏi, ớt lên cho thấm đều, ăn cùng cá đối chiên giòn, béo ngậy. Nhìn đĩa cỏ mần trầu xanh mướt, điểm xuyết màu trắng của tỏi, màu đỏ của ớt, màu vàng nâu của hành phi... Hấp dẫn cả màu sắc lẫn hương vị, nhân nhẩn đắng nhưng hậu ngọt. Tôi không ngờ cỏ mà ngon đến thế. Má tôi tiếc nước luộc cỏ nên giữ lại uống, cỏ mần trầu nấu canh tép, thịt bằm cũng rất ngon, vị nhẩn nhẹ mà ngọt dịu. Bà ngoại còn giã một ít cỏ mần trầu tươi cho tôi và nhỏ Minh Anh đắp mặt nạ dưỡng da, trị mụn, pha nước gội đầu giúp tóc mượt đen.
Bà ngoại tôi làm công quả cho phòng phước thiện bốc thuốc nam ở chùa Tịnh Độ, bà có một quyển sổ ghi chép kỹ lưỡng về từng loại cây cỏ từ đặc điểm, hình dáng, hoa, lá, loài, họ... nơi phân bố, dược tính, công dụng. Sau bữa cơm trưa với món cỏ ngon lạ lùng, tôi và Minh Anh đắp mặt nạ cỏ mần trầu, nằm đong đưa võng dưới gốc cây tra mát rượi, đọc quyển sổ ghi các bài thuốc nam của bà ngoại.
Tôi tìm bài viết về cỏ mần trầu để đọc trước tiên, cỏ mần trầu còn có cái tên rất đẹp là Thanh Tâm Thảo, thì ra y học cổ truyền sử dụng loài cỏ này cho nhiều bài thuốc làm đẹp da, chữa viêm da, vàng da, giải độc gan, bổ máu, hạ huyết áp, phòng viêm màng não truyền nhiễm, chữa sốt cao, co giật, hôn mê... Cỏ mần trầu kết hợp với một số cây thuốc nam khác chữa được các bệnh bạc tóc, băng huyết, sỏi tiết niệu, nứt môi, tưa lưỡi...
Khi rảnh rỗi, bà ngoại hay cùng các bà, các cô trong xóm đi chặt, hái góp cho chùa bốc thuốc nam phước thiện chữa bệnh cho bà con. Ngoại nói, khi cỏ mần trầu ra bông, kết trái là thời điểm làm dược liệu tốt nhất, tôi thích cụm bông xẻ ngọn mọc tỏa tròn ở đỉnh cuống chung này xòe ra như chong chóng, trái của cỏ mần trầu có hình thuôn dài, tôi hái về cắm một bình bông để bên cửa sổ rất dễ thương. Ngoại thường phơi khô và rang sao bông, trái cỏ mần trầu cho má tôi với các dì đem về thành phố pha uống thay trà. Mỗi lần nghe mùi thơm này, tôi lại thấy mình đang tung tăng giữa cánh đồng bát ngát, hít thở không khí trong lành, hồn quê dạt dào hòa bóng dáng của ngoại. Lại nôn nao được về thưởng thức hương vị cỏ mần trầu của đồng nội yêu thương.