Ma túy len lỏi các bản làngXã Na Ư nằm cạnh xã Pa Hốc, huyện Mường Mày-một trong những điểm chế xuất, trung chuyển ma túy nhức nhối nhất của tỉnh Phoong Xa Lỳ (Lào). Vì thế, người dân ở 2 địa phương Na Ư (Việt Nam) và Pa Hốc (Lào) có quan hệ thân thiết với nhau từ nhiều năm nay. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.
Khi chúng tôi hỏi về thực trạng một số bà con dân tộc Mông ở đây đã bỏ nương rẫy để tham gia vận chuyển ma túy thuê từ biên giới Lào về Việt Nam, ông Và Vả Tông, Bí thư xã Na Ư cho biết: Vấn nạn này tồn tại nhiều năm rồi. Có người khi bị bắt vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy còn hồn nhiên so sánh: Cấy lúa, trồng ngô thì phải mất công chăm sóc hơn 4 tháng mới cho thu hoạch, còn vận chuyển ma túy thuê nếu trót lọt thì có thể “gặt” ngay trong ngày…
Nghĩ sao làm vậy, nên không ít đối tượng mãn hạn tù trở về lại tiếp tục con đường buôn bán, vận chuyển ma túy…
Nhiều năm qua, chính quyền đau đầu suy nghĩ làm thế nào để có thể đuổi tệ nạn ma túy ra khỏi bản làng, nhưng xem ra khó.
Các đối tượng sau thời gian đi trại về lại quen đường cũ. Không ít đối tượng đi tù vì buôn bán ma túy trở về đã chai sạn, vô cảm, không biết sợ ai. Đáng sợ hơn là họ không còn thấy sợ đi tù nữa”, ông Sình Chừ Só, Chủ tịch xã Na Ư thở dài.
Qua câu chuyện với ông Sình Chừ Só, chúng tôi hiểu rằng ma túy, thuốc phiện đã len lỏi đến từng bản làng. Thậm chí, nguyên Chủ tịch xã Sùng Pá Ly cũng từng có thời gian mắc nghiện. Hay ông Vừ A Tếnh, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã cũng có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy quốc tế.
Nỗi buồn con trẻMa túy không chỉ khiến nhiều người vào tù, thậm chí nhận án tử hình. Điều đáng bàn nữa là, người lớn làm, nhưng con trẻ lại hứng chịu hậu quả. Đó là nhiều em phải bỏ học giữa chừng do kinh tế khó khăn; sống thiếu tình thương, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ;…
Theo thống kê của UBND xã Na Ư, hiện Na Ư có hơn 50 trẻ em bị ảnh hưởng do có cha, hoặc mẹ nghiện hút, hoặc vào tù vì tội buôn bán ma túy. Trong số này có hàng chục em phải sống nhờ ông bà, cô chú, người thân quen.
Điển hình là 3 người con của vợ chồng Sình A Dế và Và Thị No, bản Con Kang. Cả hai vợ chồng bị kết án 20 năm tù giam vì buôn bán ma túy. Hiện, 2 người con trai lớn của họ do cô chú ở bản Hua Thanh nuôi dưỡng, còn cô con gái út năm nay học lớp 5 sống với ông bà ngoại, ở bản Con Kang.
Do không có điều kiện tiếp tục theo học lên lớp 10 nên người con trai cả của Sình A Dế và Và Thị No đã phải bỏ học để phụ giúp cô chú làm nương rẫy, kiếm miếng cơm, manh áo sinh sống.
Còn cô con gái út Sình A Ngọc đang theo học lớp 5 Trường tiểu học Na Ư, năm nay, Ngọc đã 11 tuổi, nhưng trông em gầy quắt, nhỏ thó như học sinh lớp 2. Không cha mẹ nuôi dưỡng, phải sống xa hai người anh trai, Ngọc sớm phải lo toan cuộc sống cùng ông bà. Do vậy, những việc như: đi rừng kiếm củi, lên nương trồng ngô, sắn, nấu cơm, giặt quần áo… Ngọc đều thành thạo.
Không ít học sinh theo học tại trường Tiểu học, THCS ở Na Ư có hoàn cảnh như Ngọc, hoặc có mẹ đi lấy chồng, bố bỏ đi biệt xứ… Tất cả đều do hệ lụy của ma túy. Bởi thế, các thầy cô đều lo lắng, thương các em nhỏ tuổi mà đã bị tổn thương quá lớn. Mỗi thầy cô giáo như thấy chặng đường đến với con chữ của các em chông chênh hơn…
Chia sẻ với chúng tôi trong tâm trạng bất lực, ông Sình Chừ Só nói: Các cháu có cha mẹ mắc nghiện, đi tù sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm. Dù Nhà nước đã hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng/cháu, đi học được miễn học phí, nhưng số tiền này cũng chỉ hỗ trợ các cháu một phần trong cuộc sống.
Trong trường hợp, ông bà, người nhận nuôi dưỡng không may qua đời, hoặc mắc bệnh… thì nguy cơ các cháu phải bỏ học giữa chừng, sống bơ vơ trong cảnh túng khó, thiếu vắng tình yêu thương của gia đình là khó tránh khỏi. Đấy là chưa tính đến trường hợp những đứa trẻ có nguy cơ lâm vào bi kịch nghiện ngập của cha mẹ.
XUÂN KHÔI