Ông Quàng Văn Thành, Trưởng bản Co Ké, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cho biết: Sau nhiều năm chờ đợi, đến khi nhận thông báo được chi trả tiền góp đất trồng cao su, ai cũng cũng phấn khởi. Thời gian đầu mới nghe thông tin về chủ trương trồng cây cao su, người dân trong bản băn khoăn, hoài nghi về hiệu quả kinh tế. Nhưng khi được tuyên truyền, vận động, 25 hộ dân trong bản tình nguyện đăng ký tham gia góp đất với diện tích trên 6ha. Có hộ sau khi góp hết đất canh tác đã xin vào Công ty làm công nhân chăm sóc cao su, hằng tháng có thu nhập ổn định và cao gấp vài lần so với trồng lúa.
Qua từng năm, những đồi cao su của bản phát triển xanh tốt dần lên. “Ngày Công ty Cao su Điện Biên mở cạo khai thác, chứng kiến những dòng mủ trắng tuôn chảy, người dân thở phào phấn khởi. Nay niềm vui lại nhân đôi khi người dân được nhận tiền % từ việc bán mủ cao su, đúng là giấc mơ về cây xóa đói, giảm nghèo này là có thật”, ông Thành hồ hởi nói.
Có thể thấy sau hơn 8 năm có mặt trên đất Điện Biên, cây cao su thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng của người dân. Lần đầu tiên vào cuối năm 2016-2017, Công ty Cao su Điện Biên mở cạo khai thác trên diện tích hơn 630ha, thu được gần 600 tấn mủ khô. Năng suất, chất lượng mủ được đánh giá rất tốt, đạt tiêu chuẩn của Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Ông Phan Đức Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Điện Biên cho biết: Công ty đã thực hiện đúng như cam kết ban đầu với người dân, sản lượng mủ sau khai thác xuất bán, người dân sẽ được chia lợi nhuận 10% trong tổng giá trị sản phẩm. Trong 2 năm đầu tiến hành khai thác trên diện tích gần 700ha, năng suất mủ cao su sau được đánh giá đạt 1,7 tấn/ha/năm; giá bán trung bình đạt 50 triệu đồng/tấn (tương đương 1ha bán được 85 triệu đồng/năm, trong đó % mà người dân được hưởng là 8,5 triệu đồng/ha).
Ông Lợi giải thích thêm, do diện tích 2 năm đầu tiên khai thác chưa lớn nên số tiền người dân được chi trả là chưa cao. Nhưng từ năm 2019 trở đi, những diện tích cao su đã cho khai thác ổn định rồi thì năng suất và chất lượng mủ sẽ tăng lên. Còn về giá cả mủ cao su, mặc dù phụ thuộc lớn vào biến động thị trường nhưng Công ty sẽ luôn có những nhận định và chiến lược kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo chế độ và quyền lợi tốt nhất cho người dân.
Là hộ tiên phong trong bản Huổi Chan, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) tham gia góp toàn bộ 6ha đất sản xuất vào Dự án trồng cây cao su từ năm 2008, chị Cà Thị Nga chia sẻ: “Góp đất xong, mình lại xin luôn vào làm công nhân cho Công ty từ đó. Vào đây, mình được đào tạo kỹ thuật, hưởng các chế độ rất tốt, được trực tiếp chăm sóc cao su trồng trên mảnh đất của mình nên rất yên tâm. Ngay từ ngày đầu tham gia, mình đã có niềm tin cây cao su sẽ làm thay đổi cuộc sống và mang lại thu nhập cao cho gia đình”.
Chỉ tay vào ngôi nhà mới, chị Nga cho biết, đó là kết quả sau gần 10 năm chịu thương chịu khó xin vào làm công nhân cho Công ty Cao su Điện Biên. “Tất cả tiền lương, thưởng hằng tháng, mình đều dành giụm rồi vay mượn thêm một ít của người thân để xây căn nhà và sắm các vật dụng gia đình, con cái cũng được học hành đàng hoàng hơn”, chị Nga khoe.
Những hoài nghi của người dân về cây cao su giờ đã không còn mà thay vào đó là sự yên tâm, tin tưởng. Hy vọng những mùa khai thác mủ tiếp theo, cây cao su sẽ tiếp tục cho năng suất, chất lượng và diện tích khai thác cao lớn hơn góp phần mang lại cuộc sống no ấm cho người dân vùng cao Điện Biên.
NAM HƯƠNG - VINH DUY