Trong đó, có tới 4.400ha cam bị nhiễm bệnh greenning (còn gọi là bệnh vàng lá gân xanh là bệnh phổ biến xuất hiện trên cam, quýt).
Diện tích cam kinh doanh tỷ lệ bị nhiễm bệnh khoảng 10 đến 15%, có vùng đến 70%; cam kiến thiết tỷ lệ bị nhiễm ít hơn, khoảng 1 đến 3%. Cam trồng đan xen cũng có hơn 4.000ha bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, chiếm tỷ lệ 15 đến 20%.
Ngoài ra, một số sâu bệnh khác gây hại trên nhiều diện tích cam làm giảm năng suất, chất lượng quả. Quỳ Hợp là huyện có diện tích trồng cam nhiều nhất tỉnh với 2.661ha cam, được trồng chủ yếu ở Minh Hợp, Xuân Thành..., nhưng có tới hơn 350ha cam xuất hiện hiện tượng vàng lá, thối rễ, rụng quả.
Lý giải về điều này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Việc cam bị chết nhiều như vậy phần nhiều do người dân ồ ạt trồng, lại thiếu kiến thức. Nếu năm 2015, diện tích cam toàn tỉnh mới chỉ có 3.542ha, thì đến hết năm 2017 đã lên 5.589ha, vượt so với quy hoạch đến năm 2020 là 439ha. Trong đó, Quỳ Hợp 2.661ha, Nghĩa Đàn 1.035ha, Thanh Chương 388ha, Con Cuông 361ha...
Do phát triển nóng, không ít người trồng chạy theo phong trào, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, thậm chí lạm dụng các loại phân bón, thuốc hóa học trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đáng lo ngại, nhiều vườn cam bị bệnh greenning, đáng ra theo yêu cầu kỹ thuật, phải trồng cây khác để cải tạo đất, sau đó mới trồng cam trở lại, nhưng không ít chủ vườn vừa phá bỏ cam bị bệnh đã muốn trồng lại cam.
Không ít người dân lại trồng cam ở vùng đất thấp trũng, bị ngập lụt bất chấp quy hoạch dẫn đến chất lượng quả không cao, rụng quả. Vì vậy, không chỉ những diện tích cam trồng mới, đang giai đoạn kiến thiết, mà những vườn cam mới cho thu hoạch được một vài năm cũng bắt đầu bị thoái hóa buộc phải thay thế.
Trước tình trạng trên, tỉnh Nghệ An đang lên kế hoạch siết chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống, trong đó có giống cam. Bên cạnh việc tập trung xử lý dứt điểm các vườn cam bị bệnh greenning tránh lây lan, ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm tập trung sản xuất giống cam sạch bệnh, giống đầu dòng. Vận động người dân thay các giống cam trôi nổi, không rõ nguồn gốc bằng giống cam bảo đảm chất lượng, có xuất xứ. Có chính sách khuyến khích người dân trồng cam theo công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật cho người trồng cam, cũng như kiên quyết không trồng ở những diện tích đất không nằm trong quy hoạch. Cùng với đó, tạo liên kết chuỗi trong sản xuất cam, tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại... nhằm phát triển cây cam một cách bền vững.
THIÊN ĐỨC