Gia đình anh Hoàng Văn Quang và chị Hoàng Thị Lán, dân tộc Phù Lá, ở thôn Ngòi Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) thuộc hộ nghèo từ năm 2014. Chị Lán cho biết, mặc dù hai vợ chồng rất cố gắng làm ăn, đi làm thuê khắp nơi... nhưng vẫn nghèo. Nghèo bởi công việc bấp bênh, lương chẳng được là bao, gia đình không có ruộng, không có vốn sản xuất...
Khi được các tổ chức đoàn thể, Nhà nước hỗ trợ, gia đình đã trồng được 5.000 cây quế. Ngoài ra, gia đình chị Lán còn được hỗ trợ 20 triệu đồng để xây nhà. Nhận thấy cuộc sống giờ đã đỡ hơn trước, nên gia đình chị quyết định viết đơn xin thoát nghèo.
Cũng giống như anh Quang, gia đình anh Triệu Tòn Nhất, dân tộc Dao, ở thôn Khe Sán, xã Châu Quế Thượng là hộ nghèo từ năm 2018. Trong đơn thoát nghèo, anh Nhất viết: "Gia đình tôi được Đoàn Thanh niên xã giúp đỡ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế. Đến nay, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn, bớt khó khăn hơn. Vậy tôi viết đơn này xin ra khỏi hộ nghèo năm 2021".
Bà Đinh Thị Hồng Loan, Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng cho biết: Từ đầu năm đến nay, xã Châu Quế Thượng đã có 6 hộ làm đơn xin thoát nghèo, trong đó, có 4 hộ gia đình là người DTTS, còn lại 2 hộ là người Kinh. Tất cả các gia đình này, sau khi nhận được những hỗ trợ từ cây trồng, con giống, hoặc vay vốn với lãi suất ưu đãi, đều nỗ lực phát triển kinh tế và chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Theo Chủ tịch xã, để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế (giúp đỡ về cây giống, con giống); phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH), Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề mở các lớp học nghề, các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đem câu chuyện giảm nghèo với những lá đơn tự nguyện thoát nghèo của người dân xã Châu Quế Thượng trao đổi với ông Cao Văn Chỉ, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Văn Yên, ông Chỉ phấn khởi thông tin thêm: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Văn Yên đã có 134 đơn xin thoát nghèo.
Ông Chỉ kể câu chuyện cảm động, khởi nguồn cho việc làm đơn xin thoát nghèo là cụ bà Nguyễn Thị Trâm, gần 90 tuổi, ở thôn Thống Nhất, xã Yên Hợp. Năm 2018, dù điều kiện sống còn khó khăn, cụ được hưởng các chính sách, nhưng thấy cuộc sống đỡ chật vật, cụ đã đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, mở đầu và thúc đẩy phong trào nỗ lực thoát nghèo của Nhân dân trong huyện.
Ông Chỉ cũng cho biết, để việc giúp đỡ các hộ nghèo hiệu quả, UBND huyện Văn Yên đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát các hộ nghèo trên địa bàn; phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ để phân chia thành từng nhóm, nhằm giúp đỡ hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng hộ.
Trên cơ sở đó, huyện chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, với tinh thần phải từ nội lực của chính mình để vươn lên thoát nghèo;
Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như vay vốn ưu đãi, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn…; Ngoài ra, Huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã vùng cao, để người dân được tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, thông tin…
Xác định cán bộ là mấu chốt để triển khai thực hiện hiệu quả công tác xóa nghèo, huyện Văn Yên luôn coi trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo từ huyện đến xã, đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay
Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác giảm nghèo, đã giúp cho các hộ nghèo có điều kiện và cơ hội tốt nhất để họ vươn lên thoát nghèo, giúp cho huyện Văn Yên trong những năm qua, mỗi năm giảm trên 5% hộ nghèo.