Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông đánh giá cao những nỗ lực của các cán bộ hai bên để chuẩn bị và ký kết hợp tác này. Việc ký kết bản ghi nhớ là một sự kiện mở đầu để hiện thực hoá những ý tưởng, chủ trương được khởi xướng nhằm huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.
Theo Thứ trưởng Y Thông, vùng đồng bào DTTS và miền núi có rất nhiều tiềm năng nhưng hiện vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước, kinh tế-xã hội kém phát triển so với các vùng khác. Mặc dù nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, song nguồn lực đầu tư cho các vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu tập trung nên không thể tạo đột phá về kinh tế và thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của đồng bào DTTS.
Để giải quyết những vấn đề này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88, phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1719 đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025.
Ủy ban Dân tộc với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, những năm gần đây, cũng đã chủ trì phối hợp với các địa phương khởi xướng, xây dựng các chương trình, dự án thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi nhưng chủ yếu thông qua kênh vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA Việt Nam. Do nguồn vốn này có hạn và không thể đáp ứng được nhu cầu vô cùng lớn để hỗ trợ đồng bào vùng DTTS và miền núi. Trong khi đó, khu vực này lại thiếu sự liên kết với một nguồn lực vô cùng lớn và đầy tiềm năng đó chính là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Nhận thức rõ vấn đề này, Ủy ban Dân tộc đã định hướng phương thức, tiếp cận mới trong việc huy động nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nguồn lực này cùng với các nguồn lực khác sẽ kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên tác động cộng hưởng sẽ tạo ra hiệu quả cao nhất.
“Chúng tôi xác định đối tác hợp tác để hiện thực hoá ý tưởng này chính là Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài VAFIE. Tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Hiệp hội, bằng năng lực, kinh nghiệm và mối quan hệ tốt đẹp sẵn có của lãnh đạo Hiệp hội với cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự hợp tác giữa hai bên chúng ta sẽ thành công và phát triển trong tương lai. Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBDT và VAFIE sẽ tạo ra sự gắn kết giưa chúng ta với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương vùng DTTS cũng như các doanh nghiệp trong nước. Hy vọng rằng, nguồn lực FDI sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo vùng DTTS một cách bền vững” Thứ trưởng Y Thông nhấn mạnh.
Tại buổi ký kết, Giáo sư, TS. Nguyễn Mại, cho biết: Nguyên nhân chính hạn chế sự phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi là cản trở về giao thông và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao… Do đó cần thay đổi cơ bản cách tiếp cận cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, kinh tế nông nghiệp, kinh tế số… thích ứng với xu hướng chung của cả nước sẽ tạo được đột phá cho vùng này phát triển.
Tại buổi ký kết, Chủ tịch Hiệp hội VAFIE Nguyễn Mại cũng cam kết rằng, Hiệp hội sẵn sàng hỗ trợ bằng mọi cách thu hút đầu tư các doanh nghiệp nước ngoài để phát triển vùng DTTS và miền núi.
Tại buổi lễ Ủy ban Dân tộc và VAFIE đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp từ nay đến năm 2025. Hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ trong giai đoạn tới để triển khai thực hiện các hoạt động nói trên để góp phần thúc đẩy, huy động vốn, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo.