Bài 1: Đau đáu giữ gìn vốn cổ
Dù đã được phong tặng hoặc chưa được vinh danh (là Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú) thì những NNDG vẫn miệt mài sáng tạo, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian cho những thế hệ kế cận. Nặng lòng níu giữ di sản văn hóa cha ông, họ âm thầm cống hiến với tâm nguyện “giữ được ngày nào hay ngày đó”.
Thêm động lực sáng tạo
Cuối tháng 7/2017, nhân dịp vào công tác Quảng Trị, chúng tôi đã ngược đường 9 lên Tà Rụt-xã vùng cao của huyện Đăkrông, để thăm Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức, sinh năm 1964, dân tộc Pa Cô. Ông là một trong 617 người được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú (NNUT) lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015.
Đã nghe kể nhiều về việc Kray Sức bỏ công sức sưu tầm, phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ của người Pa Cô, nhưng phải trò chuyện với ông mới thấu hiểu được những khó khăn của người làm công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một.
Ông bảo, những phong tục tập quán, những làn điệu dân ca, các điệu múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội… đang bị lãng quên dần trong đời sống hiện đại. Và, muốn tìm hiểu, nghiên cứu những nét văn hóa đặc sắc ấy thì bản thân ông phải đi, phải gặp những người cao tuổi nhất để nghe, rồi ghi chép lại. Có như vậy mới hy vọng phục dựng lại những nét cơ bản chứ chưa nói đến bảo tồn nguyên dạng.
Với khát khao phục hồi, phổ biến, đưa những giá trị văn hóa truyền thống của người Pa Cô quay trở lại trong đời sống tinh thần của bà con, từ năm 2004, ông đã để ý nghiên cứu, sưu tầm. Chỉ “ăn lương” cán bộ chuyên trách văn hóa xã Tà Rụt, bước chân của Kray Sức đã đặt đến nhiều bản làng Pa Cô xa xôi nhất trên dãy Trường Sơn hùng vỹ. Nhờ đó, ông đã sưu tầm được gần 100 cồng, chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống của người Pa Cô như: trống toong, sáo khui, khèn bè…
Ông cũng đã biên soạn hàng chục giáo án để truyền dạy các loại nhạc cụ truyền thống cho thế hệ sau; dìu dắt và đào tạo hàng chục người trẻ tuổi biết đánh cồng chiêng, thổi khèn, hát các làn điệu dân ca Pa Cô. Năm 2017, nghệ nhân Kray Sức đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Cũng như nghệ nhân Kray Sức, nghệ nhân Trương Sông Hương, dân tộc Thổ, ở xóm Sơn Tiến, xã Hợp Tiến (Quỳ Hợp, Nghệ An) được biết đến là có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, nổi bật nhất là những nỗ lực của ông trong việc sáng tạo, sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Thổ. Ông cũng là nghệ nhân được phong tặng dang hiệu NNUT lần đầu tiên được tổ chức năm 2015. Như chia sẻ của ông Hương, đây là một động lực to lớn để ông có thể tiếp tục sáng tạo và cống hiến.
Không danh thì vẫn làm nghề
Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân Ưu tú” (do Chủ tịch nước phong tặng) là một sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của những người “giữ lửa” trong bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Được phong tặng danh hiệu, các nghệ nhân được hỗ trợ một phần kinh phí, giảm gánh nặng cho những lo toan thường nhật.
Sau khi Luật Di sản 2002 được ban hành, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu NNND, NNUT và chính sách đãi ngộ. Nhưng gần 13 năm sau, Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với NNUT, NNND có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn mới được ban hành.
Theo đó, những nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND, NNUT sẽ được trợ cấp từ 700.000-1.000.000 đồng/người/tháng; được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế và được hỗ trợ chi phí mai táng. Dù muộn và ít nhưng đây là nguồn động viên các nghệ nhân tiếp tục nỗ lực công hiến.
Nhưng cho dù chưa được vinh danh thì những người am hiểu văn hóa truyền thống vẫn miệt mài “vác tù và…” hằng bao nhiêu năm nay bởi trong họ luôn đau đáu tâm huyết bảo tồn. Nghệ nhân Y wang H’wing, dân tộc Ê-đê, đến từ buôn Triă, xã Eatul (huyện Cư M’gar, Đăk Lăk) là một người như thế.
Tôi gặp nghệ nhân Y wang H’wing ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ông cho hay, từ nhỏ ông đã theo chân ông ngoại là Y Im-một nghệ nhân kể khan lừng danh ở huyện Cư M’gar trước đây, đến các lễ hội, lễ cúng trong buôn làng, hoặc vào dịp “ăn năm uống tháng” đón mừng vụ mùa bội thu… Nghe nhiều nên thuộc, khan thấm vào máu, thành niềm đam mê. Rồi Y wang H’wing trở thành pô khan (người kể khan) lúc nào không hay. Ông thuộc gần 10 khan Ê-đê nhưng hát kể nhuần nhuyễn 4 bài khan là Đam Bhu - Đam Bha, Đam San, Đun Bru và Y Bong Hiu Knuh.
Đã bước sang tuổi 70 nhưng nghệ nhân Y wang H’wing vẫn nhiệt tình tham gia các buổi biểu diễn để giới thiệu, quảng bá sử thi. Để giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ năm 2005, ông đã mở lớp truyền dạy kể sử thi cho người dân trong buôn và các buôn lân cận. Không lấy tiền học, chỉ được tỉnh hỗ trợ 100 nghìn đồng/buổi, Y wang H’wing vẫn miệt mài truyền dạy; nhiều học trò của ông đã đạt các giải cao trong những cuộc thi cấp tỉnh, cấp khu vực. Năm 2018 này, nghệ nhân Y wang H’wing nằm trong danh sách 24 nghệ nhân được UBND tỉnh Đăk Lăk đề nghị phong tặng danh hiệu NNUT.
Nhưng mối lo thường trực của Y wang H’wing là nguy cơ mai một của loại hình nghệ thuật độc đáo của người Ê-đê, bởi hiện ông là một trong những người đàn ông Ê-đê hiếm hoi còn biết kể sử thi. Y wang H’wing đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, nếu mất đi khi chưa kịp trao truyền, mai này ai còn hát sử thi?
Đây cũng là trăn trở của hàng nghìn nghệ nhân đang ngày đêm đau đáu giữ gìn vốn cổ. Đã có không ít những nghệ nhân bước sang thế giới bên kia trong lòng còn đầy day dứt với nghiệp ông cha. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ chuyển tải nội dung này trong số báo tiếp theo.
SỸ HÀO