Không phải đến bây giờ, câu chuyện ngành Sư phạm mới được nóng lên. Thời gian qua càng trở nên rất “nóng” khi hàng loạt trường sư phạm tuyển sinh đầu vào rất thấp và giáo viên thất nghiệp, mất việc ngày càng nhiều. Những vấn đề khác như lương thấp, áp lực công việc,… khiến cho ngành Sư phạm không thu hút được học sinh giỏi dự thi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng đầu vào nhiều trường sư phạm rất thấp trong thời gian qua.
Một thực tế cho thấy, một số địa phương đã có trường đại học sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý đóng trên địa bàn, có khả năng đáp ứng nhu cầu giáo viên tất cả các bậc học nhưng vẫn duy trì sự tồn tại của trường cao đẳng sư phạm do địa phương quản lý. Việc tồn tại quá nhiều trường sư phạm, khiến cho việc đào tạo dàn trải, đào tạo nhiều, cung vượt cầu cũng là nguyên nhân khiến không quy tụ được sinh viên giỏi, sinh viên yêu nghề nên chất lượng đầu vào nhiều trường thấp.
Không phủ nhận vai trò của các trường sư phạm đối với sự phát triển nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, cần chấn chỉnh đầu vào, đảm bảo đầu ra đối với sinh viên sư phạm là vấn đề cấp thiết. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 8 điểm mới trong dự thảo tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018. Trong đó, có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Với hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên; với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.
Các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường trung học phổ thông chuyên của các tỉnh vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đạt giải. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có ba năm học trung học phổ thông chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
Đây là một điểm hoàn toàn mới vì trong các quy định xét tuyển thẳng trình độ đại học, cao đẳng vào ngành Sư phạm các năm trước đây, chỉ học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế mới được ưu tiên xét tuyển thẳng. Cũng theo dự thảo mới này, người có bằng trung cấp ngành Sư phạm loại giỏi trở lên, người có bằng trung cấp ngành Sư phạm loại khá có ít nhất hai năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo được tuyển thẳng vào cùng ngành Sư phạm trình độ cao đẳng.
Năm nay, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường, trong đó có trường sư phạm phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất trước một năm so với năm tuyển sinh theo khối ngành trong đề án tuyển sinh. Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định thì không được thông báo tuyển sinh.
Những điểm mới này cho thấy, những điểm tích cực, đó là sự thu hút, quy tụ học sinh giỏi xét tuyển, tuyển thẳng vào các trường sư phạm. Đây cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm. Bên cạnh đó, việc các trường bắt buộc công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau ra trường cũng là giải pháp tốt trong việc đảm bảo đầu ra cho sinh viên, tránh đào tạo tràn lan, lãng phí nguồn lực.
Tuy nhiên, những điểm mới trên mới chỉ là tạm thời, về lâu dài cần có những giải pháp quyết liệt trong việc sắp xếp, quy hoạch lại các trường sư phạm. Cần mạnh dạn giải quyết, có thể cho giải thể những trường dôi dư, gây lãng phí nguồn lực. Cùng với đó, cần đánh giá lại toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam hiện hành để có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc đảm bảo giữa cung và cầu, đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên xứng đáng với sự nghiệp trồng người, là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”…
THANH HUYỀN