Tuần lễ sách của người làm báo do Hội nhà báo Việt Nam, Hội xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, Hội nhà báo TP. Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức nhân Kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Họp báo công bố Tuần lễ sách của người làm báo vừa diễn ra sáng ngày 6/6.
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam - Trưởng Ban tổ chức cho biết, Tuần lễ Sách của người làm báo được tổ chức nhằm hưởng ứng phát động của Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh văn hóa đọc, làm phong phú hơn cuộc phát động thi đua đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội nhà báo Việt Nam phát động, lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc đến với công chúng, góp phần làm phong phú thêm không gian văn hóa tại TP. Hồ Chí Minh.
Tuần lễ sách nhằm tôn vinh tài năng các nhà báo đã có sách xuất bản, qua đó gắn kết hơn nữa mối quan hệ bền chặt giữa báo chí và xuất bản. Nhiều hoạt động thú vị sẽ diễn ra trong khoảng thời gian này, đặc biệt độc giả được gặp gỡ giao lưu trực tiếp với nhiều cây bút tên tuổi trong làng báo.
Nhà báo Trần Trọng Dũng bày tỏ mong muốn tổ chức trại sáng tác nhằm tạo điều kiện cho các nhà báo có đam mê viết sách giao lưu cùng các nhà văn nổi tiếng của đất nước trau dồi thêm khả năng viết sách.
"Hy vọng từ trại sáng tác, các nhà báo có những tác phẩm hay hơn nữa. Tôi kì vọng dịp Kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam sẽ giới thiệu sách của các nhà báo Việt Nam ở cả 3 miền. Đó là mơ ước của chúng tôi", Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam bày tỏ.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, đồng trưởng ban tổ chức chia sẻ Tuần lễ sách của người làm báo cho thấy sự đa năng của nhà báo. Nếu lâu nay độc giả tiếp cận nhà báo qua những tin bài trên mặt báo, những tin bài độc đáo, hay cây bút chính luận sắc sảo thì thông qua nhiều tác phẩm sách mới, độc giả lại tiếp cận họ với tư cách một nhà văn bằng nhiều thể loại văn học: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, nhà lý luận phê bình…
"Gọi Tuần lễ sách nhưng tôi nghĩ đó là ngày hội sách của những người làm báo. Ngày hội sẽ mang đến cho độc giả những điều thú vị. Chẳng hạn, hồi trước độc giả biết về anh Huỳnh Dũng Nhân qua những bài báo riêng lẻ nhưng qua 5 cuốn sách sẽ hiểu được bút lực, khuynh hướng viết của anh, ngoài phóng sự kí sự anh còn làm thơ, vẽ tranh, lý luận phê bình… Tuần lễ sách giúp độc giả thấy bút lực, khuynh hướng viết của nhà báo", Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam nói.
Thông tin từ Ban tổ chức, hiện tổng số sách tham gia trưng bày tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh có khoảng 128 cuốn, trong đó 66 cuốn của các cơ quan báo chí và 62 cuốn của báo Thanh Niên. Các đơn vị tham gia, gồm: Nhân Dân, Tuổi trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Quân Đội Nhân Dân, Người Lao Động, Công an Nhân dân, Công an TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Phụ Nữ Việt Nam, Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh, Doanh nhân Sài Gòn, Giác ngộ, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố (VOH), Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh…
Ban tổ chức tiếp nhận tất cả các thể loại sách của các nhà báo, không giới hạn số lượng đầu sách, miễn là sách có giấy phép xuất bản, ghi rõ tên. Các cơ quan báo chí và các tác giả tham gia gửi sách về cho Ban tổ chức (Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh số 14 Alexandre de Rhodes Quận 1) trước ngày 2/6/2023. Toàn bộ số sách trưng bày trong đợt hoạt động sẽ được gửi tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hà Nội) và Khoa Báo chí, trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh.
Lần đầu tiên Tuần lễ sách của người làm báo được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ban tổ chức mong nhận được sự hưởng ứng, góp ý của các cơ quan báo chí, độc giả.
Với những cuốn sách của các nhà báo đã được giải thưởng, tác giả gửi sách về ghi rõ. Sách có giải thưởng của cấp tỉnh thành trở lên, ban tổ chức tặng Kỷ niệm chương tri ân tôn vinh những nhà báo viết sách.