Dạy Hán Nôm để lưu giữ văn hóa dân tộc
Mất nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được thầy đồ Lê Trung Kiên. Khi chúng tôi đến cũng là lúc lớp học Hán Văn và Thư pháp khóa 12 khai giảng được hơn 1 tháng. Trong không gian trầm mặc của chùa Nhân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội lớp học lại trở lên rất sôi nổi.
Thầy đồ Lê Trung Kiên tâm sự, từ thủa thơ ấu, tôi đã được học Hán Nôm và đam mê từ thuở đó. Năm 2005, thầy Kiên bắt đầu mở lớp dạy miễn phí chữ Hán Nôm. Lớp học được đặt tại chùa Nhân Mỹ. Trong ký ức của thầy Kiên, những ngày đầu mở lớp là những chuỗi dài khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Ngày ấy, Hán Nôm gần như rơi vào bĩ cực, có khi lớp học của thầy chỉ có vài môn sinh. Nhiều hôm học trò chán nản không muốn đến lớp, thầy lại phải nhắn tin, gọi điện giục đi học. Nhìn cái cảnh một thầy, một trò cặm cụi trong gian chùa nhỏ, lúi húi ghi ghi chép chép, người thở dài, người lắc đầu ngao ngán.
Nhưng cũng có nhiều người trân trọng, vì nhìn thấy nhiệt huyết trong người thầy hằng tuần vẫn lên lớp đều đặn kia. Thế rồi truyền tai nhau, người nọ mách người kia, lớp học dần dần đông lên trong niềm vui của thầy trò.
Hiện nay, Nhân Mỹ học đường đào tạo 2 bộ môn Hán Nôm và Thư pháp với 3 chương trình đào tạo cho các đối tượng khác nhau. Chương trình học chữ Hán và Thư pháp 4 năm cho người chưa biết chữ Hán; chương trình học Thư pháp và các chuyên đề chữ Hán 2 năm cho người đã viết thạo; chương trình học 1 năm dành cho người muốn luyện thư pháp bút cứng.
Mỗi năm, Nhân Mỹ học đường chỉ tuyển sinh một đến hai lần, mỗi lần khoảng 150 học viên. Là lớp học mở ra với mục đích truyền bá, Nhân Mỹ học đường không đặt tiêu chí tuyển học viên, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể theo học. Bởi vậy lớp học đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi: có công nhân, có sinh viên, có trí thức, có người về hưu, có công chức nhà nước... Người học vì công việc, người học vì sở thích… nhưng tựu trung người ta gặp nhau ở đây là vì đam mê cổ học, vì mong muốn được đắm mình vào mạch nguồn văn hóa của cha ông.
Những quả ngọt đầu mùa
Với sự kiên trì không biết mệt mỏi, lớp học của thầy đồ Lê Trung Kiên đã phát triển một cách vượt bậc. Từ một lớp học, Nhân Mỹ học đường phát triển ra ba cơ sở đặt tại ba ngôi chùa khác nhau: chùa Nhân Mỹ, chùa Mễ Trì Thượng và chùa Tứ Kỳ (Hoàng Mai). Đội ngũ giảng viên của trường cũng được mở rộng, quy tụ được nhiều “cây” Hán học xuất sắc như TS Phạm Văn Anh, TS Tô Lan, TS Trần Trọng Dương, TS Nguyễn Đại Cồ Việt, ThS Nguyễn Đức Bá cùng nhiều nhà thư pháp nổi tiếng như Xuân Như Vũ Thanh Tùng, Tiểu Hạng Nguyễn Trung Hoàng Long, Nam Long Nguyễn Quang Duy, Bách Lĩnh Đặng Anh Việt…
Đến nay, trải qua hơn 10 năm phát triển, Nhân Mỹ học đường đã tổ chức 12 khóa học, đào tạo cho hơn 1000 người. Đa số học viên tốt nghiệp đều đạt được trình độ Hán Nôm cơ bản, người xuất sắc thì trở thành những ông đồ, nhà Thư pháp. Thầy Kiên còn khoe, dịp viết Thư pháp Xuân Ất Mùi tại Văn Miếu, không tính những giảng sư Nhân Mỹ học đường được mời viết chữ, riêng về học trò đã có 10 người vượt qua vòng sát hạch để tham gia hội chữ, trong khi có hàng chục “ông đồ” thi rớt.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, thầy đồ Kiên mong muốn được mở rộng lớp học của mình và tổ chức thêm nhiều hoạt động gắn với cộng đồng, như tư vấn trùng tu di văn Hán Nôm tại các di tích, phiên dịch kinh sách Hán Nôm cổ, tổ chức triển lãm, tặng chữ… nhằm tạo thêm cơ hội cho các học viên được học tập và trải nghiệm.
THIÊN ĐỨC