Đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được tổ chức học trực tiếp khi đảm bảo: Được ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Thủ Đức hoặc các quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch và phương án phòng, chống dịch Covid-19 trước khi tổ chức học tập trực tiếp.
Người tham gia giảng dạy, làm việc và học tập đảm bảo đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin (đối với vắc xin yêu cầu tiêm 2 liều) sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; Người thuộc diện phải tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm do có chống chỉ định phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế.
UBND TP cũng giao Sở GDĐT chủ động phối hợp Sở Y tế rà soát, tham mưu việc điều chỉnh Bộ Tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục (khi cần thiết); tiếp tục triển khai các hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức học tập trực tiếp phù hợp đối với từng cấp học, bậc học và lĩnh hoạt theo cấp độ dịch.
2 đơn vị này có trách nhiệm kịp thời tham mưu UBND TP việc mở rộng dạy học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán năm 2022 cho học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và trẻ mầm non. Tổ chức ôn tập kiến thức và kiểm tra học kỳ tại lớp cho học sinh học trực tiếp trong khoảng thời gian từ ngày 4.1 đến ngày 22/1/2022.
Văn bản UBND TP giao cho Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, các quận, huyện và đơn vị liên quan phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt quá trình tổ chức dạy học trực tiếp; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường truyền thông thường xuyên cho người dân, phụ huynh, học sinh về các biện pháp an toàn phòng, chống dịch, các lợi ích khi học sinh học tập trực tiếp tại trường và các tác hại khi trẻ học trực tuyến trong thời gian dài (dẫn đến nguy cơ về các bệnh như thừa cân, béo phì, tật khúc xạ…, và đặc biệt là sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý của học sinh…).
Trước đó, gần 150.000 học sinh khối 9 và 12 tại TP. HCM đã trở lại trường học tập trực tiếp./.