Xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018. Sau khi “về đích”, xã được chọn làm điểm xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2020, tiến tới xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của tỉnh.
Theo quy định, để đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thì bắt buộc xã Thanh Hưng phải đạt xã NTM nâng cao. Ðể trở thành xã NTM nâng cao phải hoàn thành 34 chỉ tiêu của 16 tiêu chí đã được ban hành theo Quyết định 330/QÐ-UBND ngày 18/4/2019 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí “Xã đạt chuẩn NTM nâng cao” trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Nhưng sau hơn 1 năm thực hiện xây dựng NTM nâng cao, đến cuối 2019, xã Thanh Hưng mới đạt được 9/16 tiêu chí; các tiêu chí chưa đạt chủ yếu do thiếu vốn triển khai. Theo tính toán, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đạt chuẩn NTM nâng cao, dự kiến xã cần khoảng 2,5 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, nhất là các tiêu chí “cứng” như: Giao thông, thủy lợi …
Tương tự, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cũng đang dồn sức để về đích NTM nâng cao vào cuối năm 2020. Theo bộ tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh Quảng Bình thì hiện Thanh Trạch đã đạt 12/14 tiêu chí. Hai tiêu chí xã chưa đạt là phát triển sản xuất và môi trường.
Thực tế, để xây dựng thành công xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu, cần phải thực hiện đồng bộ các tiêu chí, bởi các tiêu chí đều bổ trợ cho nhau. Nếu một tiêu chí thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng, kìm hãm các tiêu chí khác. Do đó chính quyền địa phương cần chủ động lồng ghép nguồn lực, tránh trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước; đặc biệt chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân.
(Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng điều phối NTM Trung ương)