Các tỉnh miền núi phía Bắc chia thành các tiểu vùng khí hậu đa dạng và vị trí địa lý thuận lợi nằm ngay sát thị trường xuất khẩu biên giới Trung Quốc. Đây là những điều kiện có yếu tố quyết định để các địa phương phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp với những sản phẩm đặc trưng.
Thực tế, hiện các tỉnh miền núi phía Bắc đã dần hình thành được các vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn như: vải thiều – Bắc Giang, quả na, cá tầm – Sơn La, bưởi – Phú Thọ, chè – Thái Nguyên, mận – Sơn La… Trong sản xuất nông nghiệp, các tỉnh cũng đã phát triển những vùng nông sản sạch như: Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình; vùng trồng dược liệu cũng được hình thành như: trồng quế ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang; trồng hồi ở Lạng Sơn, Cao Bằng,…
Để tạo “cú hích” cho xây dựng NTM thì các tỉnh miền núi phía Bắc phải khai thác thế mạnh này; quan trọng nhất là phát triển thành các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh trên thị trường. Muốn vậy, các địa phương phải lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Khi tham gia Chương trình OCOP, chính sách hỗ trợ sẽ càng phát huy hiệu quả khi kích thích được tinh thần nỗ lực, sáng tạo của người dân và cộng đồng, từ đó giá trị sản phẩm chủ lực ngày càng được nâng lên.
(Chuyên mục này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)