Gánh nặng học phí
Hiện tại, tự chủ trong giáo dục đã được thực hiện thí điểm tại 23 trường ĐH công lập trong cả nước, theo Nghị quyết số 77/NQ- CP (NQ77) của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017. Trong đó, 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 2 trường có thời gian tự chủ từ 1 - 2 năm, 9 trường có thời gian tự chủ dưới 1 năm.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật 34, các trường bước đầu đạt một số kết quả đáng khích lệ, giảm thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong mọi hoạt động từ đào tạo và nghiên cứu khoa học đến tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính,…
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học cho phép cơ sở giáo dục được tự chủ tài chính đại học, trong đó được quyền thu học phí. Trước nội dung này, nhiều nhà quản lý băn khoăn rằng, liệu có làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục của các đối tượng đặc biệt như: Học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi; học sinh sống vùng nông thôn (không thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn) là một nỗi lo có cơ sở.
Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh chính thức tự chủ từ năm 2020. Mức học phí ngành Y đa khoa vừa được trường công bố là 6,8 triệu đồng/tháng/sinh viên, tương đương 68 triệu đồng/năm; ngành Răng – Hàm – Mặt học phí 70 triệu đồng/năm. Mức học phí này cao gấp 4 - 5 lần so với trước khi trường tự chủ. Khoa Y dược, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, học phí ngành Dược chất lượng cao của trường là 8,8 triệu đồng/tháng/sinh viên, tức là 88 triệu đồng/năm/sinh viên.
Đây chỉ là một ví dụ. Nhìn nhận từ thực tế này, sẽ không ít những trường hợp sinh viên thuộc những đối tượng đặc biệt như trên, bị thu hẹp cơ hội tiếp cận giáo dục đối với ngành mình lựa chọn.
Thu hẹp cơ hội tiếp cận giáo dục
Khác với các loại hình dịch vụ khác, giáo dục đại học là loại dịch vụ đặc biệt. Bàn vấn đề tự chủ đại học, phải quan tâm tới lợi ích từ ba nhóm: Người học, trường đại học và cơ quan quản lý. Trong đó, lợi ích của người học cần phải được làm rõ, bởi thời gian qua, vấn đề này ít được nhắc đến.
Tự chủ đại học phải bảo đảm cơ chế để người nghèo, người khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục đại học bình đẳng, kể cả chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Bởi suy cho cùng, mục tiêu của giáo dục đại học là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Nói về thực trạng giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, cả nước hiện có 236 trường đại học, với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Trong đó, có 171 trường công lập, số còn lại là tư thục và các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Về tài chính, theo Thứ trưởng Phúc, mức chi cho giáo dục còn thấp, với khoảng 0,5% GDP nên gia đình và người học phải gánh rất nhiều, gần như nhiều nhất trong các nước khảo sát. Mức đầu tư cho giáo dục so với GDP chỉ hơn 10%, trong khi các nước lên tới 40%.
Tăng học phí là điều không thể tránh khỏi, khi các trường đại học áp dụng cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, đây chưa phải là điều kiện tiên quyết để quyết định chất lượng đào tạo. Vì thế, song song với tăng học phí, các trường cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao trách nhiệm xã hội để bảo đảm chất lượng đào tạo và khả năng tiếp cận đại học của người học.
Ông Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, sẽ rất khó đột phá, nếu các trường chỉ dựa vào việc tăng học phí và “sống chủ yếu nhờ học phí”. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đưa trường đạt đẳng cấp quốc tế, các trường cần phải tìm kiếm các nguồn tài chính khác nhau như hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, xin đầu tư từ Chính phủ,…
Việc giao quyền tăng giảm học phí, cùng với đó cho phép các trường xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo, theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách Nhà nước, cũng sẽ tạo ra nghi ngại sẽ xảy ra việc tăng phí vô tội vạ ở các trường điểm. Hoặc sẽ phát sinh ra việc một số trường đại học sẽ thu học phí giá rẻ cạnh tranh, dẫn đến tình trạng giảm chất lượng đào tạo.
Chưa kể, học phí cao hơn nhưng liệu chất lượng đào tạo có được nâng cao, vẫn là vấn đề cốt lõi cần câu trả lời?
“Những cơ sở giáo dục đại học đáp ứng được các điều kiện để tự chủ, đồng thời tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên thì được tự xác định mức thu học phí. Tuy nhiên, tất cả việc xác định mức thu nhưng phải căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Cùng với đó, các trường phải thực hiện các chế độ quản lý tài chính, về kế toán kiểm toán, về công khai, minh bạch thông tin theo luật định, và đó là cơ sở để xã hội có thể giám sát...”, PGS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói.