Nói về sự cần thiết sửa đổi Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, giáo dục đại học ngày nay không chỉ phát triển trong phạm vi quốc gia mà còn phải có tính cạnh tranh toàn cầu. Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học bổ sung 31/73 điều; giữ nguyên 42 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 01 điều và 01 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 05 điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong điều kiện phát triển và hội nhập...
Thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học. Cần nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn, đáp ứng yêu cầu: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế hiện nay đòi hỏi mô hình giáo dục, đào tạo phải đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song ông cho rằng, dự thảo chưa đáp ứng được điều này. Theo đại biểu Dũng, chương trình giáo dục đại học vẫn thiên về nhồi nhét kiến thức trong khi nhiều kiến thức lại không áp dụng vào cuộc sống. Ban soạn thảo nói nhiều tới kỹ năng nhưng kỹ năng phản biện lại chưa đề cập tới. Phản biện không phải moi móc mà là phát hiện ra sự bất hợp lý. Bên cạnh đó, một trong những điểm yếu của Việt Nam là thiếu văn hóa đọc, cần vực dậy văn hóa đọc. Cùng với đó, cần bổ sung vào dự thảo Luật chưa thấy có cụm từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kiến thức về khởi nghiệp, kinh doanh.
Rõ ràng, cụm từ “khởi nghiệp” đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xác định tầm quan trọng của việc hỗ trợ khởi nghiệp khi cách đây không lâu đã ban hành Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm phải xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn của nhà trường.
Mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “phải đưa nhanh hơn và sớm hơn chương trình dạy khởi nghiệp vào các trường đại học và phải coi khởi nghiệp là một mục tiêu của giáo dục đại học để xây dựng một quốc gia khởi nghiệp”.
Đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên trong suốt những năm học đại học là vô cùng cần thiết. Vì vậy cần đưa vào trong Luật nội dung này để tạo hành lang pháp lý hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập đất nước.
THANH HUYỀN