Có phải thiếu hiểu biết?
Cuối năm 2020, trong chuyến công tác tại một số xã vùng cao của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), chúng tôi đã từng được một anh chủ quán mời ăn món “rau đặc biệt” nhúng lẩu. Anh bạn đồng nghiệp tò mò hỏi, thì chủ quán cho biết, đó là lá cây anh túc.
Chúng tôi ngạc nhiên hỏi chủ quán: anh sử dụng cây anh túc mà không sợ cơ quan chức năng phạt à?. Chủ quán “hồn nhiên đáp”, chúng tôi trồng một vài chục cây để lấy lá ăn rau còn quả thì ngâm rượu uống cho đỡ đau bụng. Mà chúng tôi trồng rải rác quanh vườn đồi thì cơ quan chức năng phát hiện làm sao được!.
Khi anh chủ quán đi vào trong bếp, có một người khách ngồi bàn bên nói nhỏ với chúng tôi, ở đây những người lén lút trồng cây anh túc đều biết hành vi của mình là phạm pháp, nên thường chọn những khe đồi, hoặc khuất lối đi, rồi bạt cây cỏ để làm mảnh nương nhỏ, gieo trồng hạt giống loài cây này, hoặc trồng xen kẽ cùng các loại cây khác quanh khu vườn nhà.
Trên thực tế, không chỉ người dân vùng cao lấy lý do là thiếu hiểu biết, trồng vài chục cây anh túc để lấy rau ăn, mà kể cả người dân tại thành phố, cũng cố tình trồng cây anh túc để sử dụng.
Minh chứng như, ngày 24 - 25/2/2021, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý 5 trường hợp, thu giữ 214 cây anh túc được các gia đình trồng ngay trong vườn nhà. Trước đó, Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) cũng phát hiện và tạm giữ gần 3.000 cây anh túc của một người dân trồng trong vườn nhà ở xã Tiên Sơn.
Hay mới đây (sáng 21/3), Công an phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội) phát hiện tại vườn nhà ông Đặng Trần Thành, SN 1969, ở tổ dân phố Thượng 1, phường Tây Tựu hiện đang trồng 365 cây anh túc.
Theo Công an phường Tây Tựu, khu vườn trồng cây anh túc nói trên là một bãi đất nằm khuất nẻo giữa 2 ngôi nhà, được quây xung quanh bằng lưới đen nên rất khó phát hiện.
Cần xử lý nghiêm khắc
Nhà nước đã cấm mọi người dân tự ý trồng và sử dụng cây anh túc. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau một số người dân vẫn cố tình trồng loại cây này bất chấp vi phạm pháp luật.
Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ việc ở thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn, đơn vị đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ban hành văn bản số 451/UBND-CA ngày 1/3/2021 về việc rà soát, phát hiện, xử lý và phòng, chống việc trồng cây có chứa chất ma túy.
Theo đó, trước ngày 28/4/2021, UBND các xã, thị trấn phải báo cáo kết quả rà soát về UBND huyện, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng trồng cây thuốc phiện mà không phát hiện được, sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã và Trưởng Công an xã.
Điều 247, Bộ luật Hình sự quy định rõ về tội trồng cây thuốc phiện, cần sa hoặc các loại cây có chứa chất ma túy: " Người trồng những loại cây này sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi phạm các trường hợp sau: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án mà còn vi phạm, trồng từ 500 đến dưới 3.000 cây. Người nào trồng 3.000 cây trở lên, phạm tội có tổ chức sẽ bị phạt tù từ 3 đến 7 năm. Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 đến 5 triệu đồng theo khoản 3, Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP".
Theo đánh giá của cơ quan điều tra, chế tài xử lý hành vi trồng cây thuốc phiện hiện nay chưa có tính răn đe cao. Theo quy định, trồng trên 500 cây mới bị xử lý hình sự nên các trường hợp vi phạm tại huyện Lục Ngạn chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trồng cây có chứa chất ma túy, mức phạt dao động từ 2 đến 5 triệu đồng. Từ đó cho thấy, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thì cần có sự xem xét, điều chỉnh chế tài xử phạt đủ mạnh để tăng tính răn đe với hành vi coi thường pháp luật nói trên.