Bài 2: Màu xanh trên chiến khu xưa
Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi về huyện miền núi Bác Ái, vùng chiến khu xưa của tỉnh Ninh Thuận. Đi từ xã Phước Bình xuống Phước Tiến, qua Phước Chính, sang Phước Trung… dọc theo các con đường mới mở là những ruộng lúa, nương ngô, hồ tiêu, cà phê... phủ một màu xanh mướt, chúng tôi cảm nhận sự thịnh vượng của vùng đất một thời bị chiến tranh tàn phá.
Diện mạo mới
Bác Ái là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Raglai. Vùng đất này nổi tiếng với các địa danh đã đi vào lịch sử như Bác Ái Đông, Bác Ái Tây, Đồng Dày, Tham Dú, Tà Lú, Ma Ty, Đèo Gia Trúc cùng với tên tuổi của những người Anh hùng như Pinăng Tắc, Pinăng Thạnh, Chamaléa Châu... Trong chiến tranh, đồng bào một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm nên những chiến thắng lẫy lừng, góp phần vào trang sử vẻ vang giải phóng dân tộc.
Sau khi chiến tranh kết thúc, núi rừng Bác Ái như một cơ thể mang đầy thương tích, người dân lại bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương. Tuy nhiên, khởi đầu do tập quán sản xuất lạc hậu, đồng bào Raglai chỉ quen với cuộc sống du canh, du cư, phát-đốt-chọc-trỉa nên cuộc sống rất khó khăn.
Vận hội mới đến với bà con khi Chính phủ ban hành hàng loạt các chủ trương, chính sách về xóa đói giảm nghèo. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, các Chương trình 134, 135, với số vốn hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ các chính sách về y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, đời sống nhân dân; hỗ trợ chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ tỉnh, huyện về xã...
Đến nay, ở Bác Ái những ngôi nhà mái ngói mới xây, thay thế những ngôi nhà tranh, tre, nứa, lá thuở trước. Kết cấu hạ tầng 9 xã của huyện được đầu tư xây dựng, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, đường liên xã láng nhựa, nâng cấp rộng rãi và thông thoáng. Các cơ quan công sở, hệ thống điện hạ thế, trường học, trạm y tế xã được xây dựng, nhiều địa phương có công trình nước sinh hoạt tự chảy. Các chương trình khuyến nông, lâm, ngư được triển khai trên diện rộng. Hệ thống công trình thủy lợi gồm hàng chục hồ, đập và hệ thống kênh mương được xây dựng, đặc biệt là công trình thủy lợi Hồ Sông Sắt, với công suất 70 triệu m3, phục vụ tưới cho gần 4.000ha. Sản xuất, chăn nuôi trong từng gia đình phát triển, đời sống vật chất tinh thần của bà con được nâng lên.
Ông Pinăng Trí ở thôn Trà Co, xã Phước Tiến, huyện Bác Ái tâm sự: Một thời, bà con trong thôn Trà Co chỉ biết canh tác theo kiểu “chọc lỗ, tra hạt”, nay nhờ có thủy lợi nên bà con đã khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất chăn nuôi, đã có đủ cái ăn, nhiều người đã giàu có.
Riêng gia đình ông xây dựng được 1,5ha vườn cây ao cá; 1ha đất trồng cây hằng năm; 6 con trâu và hàng chục gia súc, gia cầm khác, 600 bụi tre (mỗi bụi có từ 100 đến 300 cây), mỗi năm thu hoạch bán hơn 1.000 cây. Đây là nguồn thu nhập chính để xây nhà, mua sắm công cụ phục vụ sản xuất, đời sống và đặc biệt là có tiền để nuôi 4 người con ăn học.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Ông Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh, và điều kiện thực tế địa phương, huyện Bác Ái đã xây dựng và triển khai đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bằng giải pháp đưa các đối tượng cây trồng ít sử dụng nước, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, giảm dần diện tích canh tác lúa.
Riêng trong năm 2017, huyện tập trung vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hơn 462ha. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất tập trung hơn 1.300ha lúa, phân bố ở những vùng hưởng lợi từ các công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung, địa phương đã chuyển đổi, mở rộng vùng trồng bắp lên 3.285ha, mía trên 300ha, mỳ 816ha, đậu các loại trên 1.000ha…, tập trung chủ yếu ở các vùng đất phù sa ven sông, ven suối.
Kết quả từ việc chuyển đổi cây trồng hợp lý, đã biến nhiều vùng đất hoang hóa, cằn cỗi trước đây trở nên trù phú, tạo ra những cánh đồng sản xuất ổn định. Đơn cử như ở xã Phước Hòa, nhận thấy cây mỳ phù hợp với đồng đất địa phương, những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mỳ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với phát triển trồng trọt, ngành Chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng đã mang lại những tín hiệu vui với tổng đàn hiện có gần 58.000 con. Hằng năm, huyện Bác Ái còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ đặc thù để cấp con giống cho người dân ở các xã, tạo điều kiện để bà con phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống gia đình. Hiện trên địa bàn huyện cũng đã hình thành nhiều trang trại, gia trại với quy mô tổng đàn từ vài chục con đến hàng trăm con. Đặc biệt, mô hình nuôi heo theo hình thức liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam phát triển khá mạnh với số lượng lên tới hàng ngàn con, được doanh nghiệp đầu tư vốn mua thức ăn, giống, bao tiêu sản phẩm đã thu hút nhiều hộ tham gia.
“Hiện nay, huyện Bác Ái đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng phục vụ cho sản xuất, trong thời gian tới các nguồn lực hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo, tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển. Tiếp tục thực hiện chính sách định canh, định cư để người dân không chỉ sống được mà còn phải sống tốt và làm giàu trên trên vùng đất anh hùng này...”, ông Mẫu Thái Phương phấn khởi cho biết thêm.
LÊ PHƯƠNG