Dự án “Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” được tỉnh Lai Châu triển khai tại 9 bản của xã Phúc Khoa từ năm 2016. Mục đích chính của Dự án là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chú trọng phát triển, trồng rừng mới.
Cùng với đó, Dự án còn thực hiện các hoạt động tạo sinh kế cho người dân như: tập huấn kỹ thuật nuôi lợn, cá, trồng cây ăn quả, dưa hấu, sử dụng bếp đun tiết kiệm củi; tổ chức các lớp tập huấn vận hành hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, khoanh nuôi tái sinh bảo vệ rừng tại các Hạt Kiểm lâm huyện.
Theo ông Hoàng Đình Quốc, Điều phối viên Văn phòng Dự án “Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” tỉnh Lai Châu, trong năm 2017, Văn phòng đã tổ chức cho nhân dân xã Phúc Khoa trồng mới 2,45ha vối thuốc và giổi xanh; triển khai trồng cây phân tán tại 9 thôn bản, tổng số đã hỗ trợ hơn 9 nghìn cây. Hoạt động phát triển sinh kế hướng tới hỗ trợ kỹ thuật cũng như cây, con giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng trong hoạt động nuôi cá, trồng cây ăn quả, rau, bước đầu tạo điều kiện giúp đỡ nhân dân biết cách chăn nuôi, trồng trọt đúng kỹ thuật, hiệu quả, nâng cao đời sống.
Để tìm hiểu rõ hơn về những kết quả bước đầu của Dự án “Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” chúng tôi về bản Nậm Pon 2 (xã Phúc Khoa). Tại đây, bà con mới được hỗ trợ để trồng dưa hấu.
Dẫn chúng tôi đi xem ruộng dưa hấu của mình, ông Vàng Văn Chủng, Trưởng bản Nậm Pon 2 chia sẻ: “Dự án hướng chúng tôi xây dựng mô hình trồng dưa hấu an toàn, hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón và vải bạt để phủ ruộng dưa”.
Hiện nay bản Nậm Pon 2 có 57 hộ, trong đó có 7 hộ được hỗ trợ toàn bộ để phát triển mô hình trồng dưa như gia đình ông Chủng. Các hộ còn lại chỉ được hỗ trợ về cây giống và tập huấn kỹ năng trồng, chăm sóc dưa hấu.
Được biết, ngoài mô hình trồng dưa hấu mới được triển khai, bản Nậm Pon 2 còn được hỗ trợ một số mô hình khác như trồng cây ăn quả 48 hộ; trồng cây phân tán 50 hộ; trồng rau sạch 7 hộ.
Ông Phạm Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa cho biết: Dự án “Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” thực sự đã tác động rất nhiều đến sự phát triển của xã. Nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 13% (năm 2016) xuống 11,96% (năm 2017); thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt trên 26 triệu đồng (năm 2016 là 23 triệu đồng).
Thời gian tới, xã Phúc Khoa sẽ phối hợp cùng với Văn phòng Dự án thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Bên cạnh đó xã sẽ tham mưu lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn. Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả việc sử dụng máy tính bảng theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.
HOÀNG QUÝ