Theo UBND tỉnh Lai Châu, dân số toàn tỉnh có khoảng trên 484 nghìn người, gồm 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 4 dân tộc: Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào DTTS của tỉnh đã được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; nhiều công trình hạ tầng cơ sở được xây dựng…
Nhiều dự án đang phát huy hiệu quả
Bản Nậm Xuống, xã Vàng San (huyện Mường Tè), là nơi sinh sống của hơn 78 hộ, 455 nhân khẩu là đồng bào Mảng. Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ đói, nghèo còn cao. Tuy nhiên, nhờ Chương trình MTQG 1719, các hộ dân đã được hỗ trợ cây giống, con giống, kiến thức canh tác để thay đổi mô hình sản xuất…
Đơn cử, gia đình ông Lò A Sang được hỗ trợ để nuôi ong, chăn nuôi trâu bò và cải tiến kĩ thuật canh tác lúa nước. Hiện, gia đình ông Sang đã thoát nghèo có nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. "Tôi không ngờ gia đình sau bao năm đói nghèo lại có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay", ông Sang phấn khởi nói.
Ông Lò A Chu, Chủ tịch UBND xã Vàng San cho biết: Nhờ việc thực hiện Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719, địa phương đã có thêm nhiều nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp thiết của đồng bào. Trong đó, địa phương đã tăng cường hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi và đầu tư tu sửa lại các cơ sở hạ tầng xuống cấp.
“Cũng như gia đình ông Sang, cuộc sống của nhiều hộ gia đình được hưởng lợi từ các dự án dân sinh, sinh kế từ Chương trình ở bản Nậm Xuồng đã có những bước chuyển tích cực. Từ đó, phong trào vươn lên thoát nghèo ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã nói chung, và cộng đồng dân tộc Mảng ở bản Nậm Xuồng nói riêng”, ông Lò A Chu cho hay.
Đến thăm các xã Giang Ma, Hồ Thầu, Nùng Nàng, Bình Lư, Sơn Bình (huyện Tam Đường), chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy được sự đổi thay rõ rệt trong cuộc sống người dân nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719.
Thực hiện Dự án 1, trong năm 2023, huyện Tam Đường được giao 321 triệu đồng để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Cụ thể, mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng mua téc chứa nước. Tại xã Bình Lư đã có 12 hộ được hỗ trợ 36 triệu đồng; xã Nùng Nàng có 92 hộ được hỗ trợ 276 triệu đồng mua téc, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của bà con.
Là một trong những hộ dân được thụ hưởng, ông Hàng A Seng, trú tại bản Sáy San, xã Nùng Nàng cho biết: “Được hỗ trợ tiền mua téc dự trữ nước sinh hoạt, gia đình phấn khởi, không phải vất vả đi xin nước về sử dụng như trước nữa. Được sử dụng nước hợp vệ sinh, giúp bảo đảm sức khỏe, tôi có thời gian tập trung thâm canh, tăng vụ cây trồng, vật nuôi. Hiện, gia đình tôi đã xin thoát khỏi hộ nghèo”.
Tương tự, đồng bào được hưởng lợi từ thực hiện Dự án 2 về đầu tư quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Theo đó, nhờ nguồn vốn đầu tư, địa phương đã quy hoạch, hoàn tất mặt bằng để sắp xếp, di dời, bố trí 70% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác tại bản Na Đông (xã Thèn Sin) có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Đồng thời, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở cho đồng bào DTTS trên địa bàn bảo đảm kế hoạch, ổn định cuộc sống.
Từng bước giải quyết đồng bộ các nhu cầu thiết yếu
Ông Trần Hữu Chí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu khẳng định: Thời gian qua, tỉnh huy động tối đa nguồn lực triển khai thực hiện đồng bộ các dự án. Từ đó, Chương trình MTQG 1719 đã và đang đạt được những kết quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Lai Châu, như: cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt được quan tâm đầu tư sửa chữa, xây dựng mới, nông thôn mới ngày càng khởi sắc, giải quyết các nhu cầu thiết yếu của Nhân dân về sản xuất kinh doanh, giao thương, học tập, chăm sóc sức khỏe...
Các nội dung đầu tư, hỗ trợ liên quan trực tiếp đến người dân, như: hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt (Dự án 1); bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng (Dự án 5); chính sách bình đẳng giới (Dự án 8); chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Dự án 9)... đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống tinh thần, vật chất từng bước ổn định, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS.
Để nâng cao dân trí, từng bước xóa bỏ các hủ tục, quan niệm lạc hậu… các nội dung của Dự án 5, Dự án 8, Dự án 9… cũng được triển khai và tạo những bước chuyển tích cực trong nhận thức của bà con, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Tình đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của bà con Nhân dân trong tỉnh là 2,39 triệu đồng/người/tháng. Lai Châu là địa phương có tốc độ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS cao, với mức giảm 3,68%, vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 3%. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS hiện nay đã giảm còn 28,16%. Toàn tỉnh đã có 39 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Trần Hữu Chí nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Lai Châu phát triển nhanh và bền vững. Qua đó, càng củng cố vững chắc lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào. Sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ này cũng đang góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giúp ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh biên giới”.