Chương trình mục tiêu quốc gia giúp nhiều hộ dân nghèo ở Bắc Trà My được xây dựng nhà ở kiên cố, khang trangNhững ngày giữa tháng 5, về xã Trà Sơn (Bắc Trà My), chúng tôi ghé thăm gia đình anh Đinh Văn Thu – người vừa ra khỏi danh sách hộ nghèo chưa đầy một năm. Căn nhà cấp 4 vững chãi hiện lên giữa vườn cây keo xanh mướt. Anh Thu kể, căn nhà này được dựng lên từ nguồn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia vào năm 2022. Đây là khởi đầu cho hành trình vượt khó của vợ chồng anh.
“Trước đó, vợ chồng tôi ở tạm nhà tạm dựng trên đất cha mẹ cho. Cuộc sống bấp bênh lắm, làm nương rẫy cũng chỉ đủ ăn. Nhờ chính quyền động viên, chúng tôi mạnh dạn đăng ký học nghề. Có nghề rồi, vợ chồng vào Tam Kỳ làm công nhân một thời gian. Tích cóp được ít vốn, tụi em về quê mua bò, gà rồi trồng keo…”, anh Thu xúc động kể.
Đến cuối năm 2023, gia đình anh chính thức thoát nghèo, trở thành một trong những hộ tiên phong trong xã vươn lên bằng chính đôi tay và sự đồng hành, tiếp sức của nguồn vốn chính sách. Không riêng gì anh Thu, rất nhiều gia đình ở Bắc Trà My đang có những chuyển biến tích cực từ sự tiếp sức về nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Anh Đinh Văn Thu được hỗ trợ xây nhà và chuyển đổi việc làmTại xã Trà Giang, chị Hồ Thị Bé (SN 1996) không giấu được niềm vui khi đón khách trong ngôi nhà mới khang trang. Trước đây, cả 5 người trong gia đình chị sống chen chúc trong căn nhà gỗ bìa tạm bợ. Năm 2023, chị được hỗ trợ một phần kinh phí làm nhà, cùng với số tiền dành dụm và vay thêm ngân hàng, chị quyết định xây dựng tổ ấm kiên cố trị giá khoảng 300 triệu đồng.
“Không chỉ được hỗ trợ làm nhà, vợ chồng mình còn được cấp 2 con bò từ chương trình giảm nghèo. Có nhà ở, có vốn liếng để làm ăn, tụi mình mừng lắm. Bây giờ chỉ còn cố gắng làm ăn, trả nợ và lo cho con học hành thôi", chị Bé chia sẻ.
Căn nhà mới khang trang của gia đình chị Hồ Thị Bé Theo ông Mai Đức, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Bắc Trà My, từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), huyện đã triển khai hàng loạt công trình dân sinh và sinh kế thiết thực. Từ năm 2022 đến nay, đã có hàng trăm hộ dân được cấp cây, con giống như trâu, bò, heo, quế, keo, các loại cây dược liệu…
Riêng về hạ tầng thiết yếu, Bắc Trà My đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông ở xã Trà Giang, cầu Suối Nứa, cùng hàng loạt công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… Gần 150 căn nhà tạm, nhà dột nát cũng đã được thay thế bằng nhà ở kiên cố cho hộ nghèo trên địa bàn.
Từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp Bắc Trà My xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, trong đó có đường giao thôngTrong lĩnh vực giáo dục, các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú tiếp tục được nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt cho con em đồng bào. Một số dự án dân cư như tại Nóc ông Trường (thôn 2, xã Trà Giác) cũng đang được triển khai, góp phần ổn định đời sống cho các hộ dân vùng sạt lở.
“Chỉ riêng trong giai đoạn 2022 – 2024, huyện đã triển khai 18 công trình cấp nước sạch tập trung, bên cạnh hơn 1.225 hộ được hỗ trợ sử dụng nước sinh hoạt phân tán, nhóm hộ. Ngoài ra, có 125 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện địa phương”, ông Đức cho biết.
Lớp tập huấn về chăn nuôi cho bà con ở Nam Trà MyHiện tại, Bắc Trà My đang dồn sức giải ngân các nguồn vốn đúng tiến độ, đúng mục tiêu. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 6/2025, địa phương phấn đấu giải ngân hơn 50% tổng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đã được giao.
Theo ông Hoàng Thanh Long, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, năm 2025 là năm dấu mốc quan trọng khi địa phương đặt mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 18,65% (giảm 7,35%, tương đương 870 hộ) và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,39% (giảm 1,25%, tương đương 148 hộ).
“Chúng tôi xác định phải huy động toàn bộ nguồn lực để thực hiện giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo, ngăn chặn phát sinh nghèo mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt ưu tiên giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt và các điều kiện sản xuất”, ông Long nhấn mạnh.
Những kết quả bước đầu từ việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đã góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân và tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức. Thực tiễn cho thấy, với sự quan tâm từ Nhà nước, sự phối hợp của chính quyền địa phương và sự chủ động của người dân, nhiều địa phương miền núi đã có nhiều khởi sắc.