Năm 2017, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Đăk Lăk, anh Lơ Mu Vũ Ha Sang được nhận về công tác tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng. Với chuyên môn được đào tạo, anh cùng với đội ngũ y bác sĩ phòng khám Quân–Dân y xã Phi Liêng tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Ngoài ra, anh cùng với đội ngũ trí thức trẻ tại đơn vị thường xuyên xuống địa bàn dân cư để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình để nuôi dạy con tốt; ăn chín, uống sôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay, lễ hội.
Còn đối với chị Phạm Thị Sáng, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phi Liêng, sau khi tốt nghiệp ngành Y Trường Đại học Tây Nguyên chị được nhận về công tác tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng. Với lợi thế gắn bó với vùng đất này từ nhỏ nên chị rất am hiểu các phong tục tập quán trong lao động, sản xuất người dân.
Chị Sáng, cho biết: “Nhiệm vụ của bọn em là giúp bà con tiếp cận, học tập các mô hình để xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chương trình giúp nâng cao nhận thức của người dân, như là mở các lớp xóa mù chữ, giúp người dân xây dựng các mô hình sản xuất mới, cấy ghép cà phê…”.
Trong những năm qua, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và kiến thức, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng đã phát huy tốt vai trò của mình, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố Quốc phòng, an ninh trên địa bàn thuộc vùng dự án. Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện đã tích cực chung sức với chính quyền địa phương thực hiện các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững hiệu quả.
Trong đó, có thể kể tới những việc như: xây dựng cơ sở hạ tầng; tuyên truyền, vận động, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào... Nhiều mô hình điểm về xóa đói giảm nghèo đã được các trí thức trẻ xây dựng và nhân rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, như: mô hình ghép cải tạo cà phê tại xã Đạ K’nàng; mô hình ủ phân sinh học để chăm sóc cà phê tại đội sản xuất số 2; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản tại phòng khám Quân–dân y xã Phi Liêng…
Thượng tá Trương Thanh Yên, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng, cho biết: Với những đóng góp của đội viên trí thức trẻ tình nguyện thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng đã và đang góp phần cùng với đồng bào các dân tộc trong vùng dự án thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng phát triển, kết nối tình quân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa bàn vùng sâu.
VĂN TÂM