Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, hiện nay, ở nhiều địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; các trường học còn đang rất thiếu những nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn.
Do đó, công trình nhà vệ sinh trong các trường học có ý nghĩa quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để học sinh yên tâm học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện.
Đồng thời góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, thái độ của học sinh về bảo vệ môi trường, nước sạch và vệ sinh cá nhân.
Theo đó, từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2023, chương trình sẽ trao tặng, xây dựng 150 công trình Nhà vệ sinh cho em tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí trị giá 7,5 tỷ đồng.
Đây là nội dung quan trọng, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình “Điều ước cho em” và Đề án “Phát triển tri thức Việt số hoá”; góp phần cùng ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện chỉ tiêu “100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh".
Dự kiến, trong năm 2023, Hiệp Hội Nhà vệ sinh Việt Nam tiếp tục phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương triển khai chương trình phối hợp xây dựng 100 nhà vệ sinh (5 sao, đạt quy chuẩn ASEAN), trang bị tại các công viên, tuyến phố, bãi biển.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, cả nước có 188.000 nhà vệ sinh học sinh ở các cấp học, trong đó có 67% nhà vệ sinh kiên cố, 33% còn lại cần có sự đầu tư, hỗ trợ để nâng cấp, xây mới.