Uống nước chanh chữa bệnh đang là trào lưu Với hàm lượng Vitamin C dồi dào, chanh có thể dùng để pha nước giải khát, làm gia vị nấu nướng và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Dù có nhiều công dụng, nhưng việc dùng chanh không đúng cách có thể gây tác hại tiềm ẩn với sức khỏe.
Giá trị dinh dưỡng của quả chanh
Quả chanh tuy bé nhỏ, song lại chứa hàm lượng chất dinh dưỡng rất ấn tượng. Trong 100g chanh tươi, chỉ chứa 30 kcal, nhưng lại là nguồn cung Vitamin C, chất chống Oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác dồi dào.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g chanh tươi: Năng lượng: 30 kcal; Chất đạm: 0.7g; Tổng lipid (chất béo): 0.2g; Carbohydrate: 10.5g; Chất xơ: 2.8g; Canxi, Ca: 33 mg; Magie, Mg: 6 mg; Phốt pho, P: 18 mg; Kali, K: 102 mg; Kẽm, Zn: 0.11 mg; Vitamin C: 29.1 mg; Thiamin: 0.03 mg; Vitamin B-6: 0.043 mg.
Ngoài ra, quả chanh còn chứa nhiều loại khoáng chất như: Sắt, Natri, Selen, đồng, Mangan… Quả chanh ta còn cung cấp cho cơ thể một lượng nhỏ Niacin, Riboflavin, Folate.
Công dụng của quả chanh
Chống Oxy hóa và giảm viêm: Tác dụng của chanh đa phần đến từ hàm lượng dinh dưỡng dồi dào của nó. Quả chanh tươi chứa nhiều hợp chất hoạt tính có chức năng như chất chống Oxy hóa trong cơ thể gồm Flavonoid, Limonoids, Kaempferol, Quercetin và Axit Ascorbic.
Vitamin C dồi dào trong chanh tươi giúp vết thương phục hồi nhanh hơn bằng cách giảm viêm và kích thích sản xuất Collagen.
Tăng cường khả năng miễn dịch: Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch là một trong những tác dụng phổ biến của quả chanh. Chanh tươi chứa nhiều vitamin C, dưỡng chất có thể giúp củng cố hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Nghiên cứu đã chỉ ra, vitamin C giúp tăng sản xuất các tế bào bạch cầu, giúp bảo vệ cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Ngoài ra, Vitamin C trong quả chanh có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh cảm lạnh.
Phòng ngừa bệnh tim mạch: Chanh là một trong những loại trái cây có hàm lượng Vitamin C dồi dào nhất. Một quả chanh có thể đáp ứng đến 51% nhu cầu Vitamin C được khuyến nghị hàng ngày với người trưởng thành.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh Vitamin C là một chất chống Oxy hóa mạnh mẽ sẽ cùng với các hợp chất thực vật là Hesperidin và Diosmin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm Cholesterol trong máu.
Hỗ trợ giảm cân: Công dụng của chanh trong làm đẹp cũng được nhiều người biết đến. Không chỉ làm đẹp tóc, đẹp da, chanh còn giúp làm đẹp dáng. Mỗi ngày uống một cốc nước chanh ấm có thể làm tăng lượng calo trong cơ thể được đốt cháy, từ đó hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Phòng ngừa sỏi thận: Phòng ngừa sỏi thận cũng là một trong những lợi ích của việc uống nước chanh. Axit Citric trong nước chanh sẽ làm tăng khối lượng cũng như độ pH trong nước tiểu. Khi đó, sỏi thận sẽ không có môi trường thuận lợi để hình thành.
Phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt: Trong trái chanh có lượng sắt nhất định nhưng đó không phải lý do giúp chúng ta phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt. Tuy nhiên, chanh có thể giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả hơn từ những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật mà chúng ta tiêu thụ qua bữa ăn.
Sắt có nguồn gốc động vật rất dễ được đường ruột hấp thụ. Nhưng sắt từ thực vật thì khác. Thật may là Vitamin C và Axit Citric trong trái chanh có thể giúp cải thiện điều này.
Giảm nguy cơ ung thư: Các nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều trái cây họ cam, quýt sẽ có thể giảm nguy cơ mắc ung thư. Giới chuyên môn có quan điểm cho rằng một số hợp chất có trong nước cốt chanh như Limonene và Naringenin có khả năng ức chế các tế bào ung thư.
Dùng chanh thế nào để không gây hại
Dù trái chanh có nhiều công dụng với sức khỏe, nhưng không có nghĩa là chúng ta ăn chanh càng nhiều càng tốt. Nếu sử dụng quá nhiều chanh hàng ngày, bạn có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe như: Lượng Axit dư thừa trong dạ dày do tiêu thụ quá nhiều chanh có thể dẫn đến loét dạ dày. Những người có tiền sử đau dạ dày khi uống nước chanh có thể khiến triệu chứng bệnh ngày càng trầm trọng.
Axit trong nước chanh cũng có thể khiến vách ngăn giữa dạ dày và thực quản bị suy yếu. Khi đó, axit dạ dày có thể bị trào ngược lên thực quản gây nóng rát cổ họng, ảnh hưởng đến niêm mạc thực quản và các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản khác.
Uống quá nhiều nước chanh sẽ khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn, từ đó dẫn đến mất nước, mất điện giải.
Axit Amin Tyramine trong chanh nếu đi vào cơ thể với lượng lớn có thể khiến máu dồn lên não đột ngột. Từ đó sẽ dẫn đến những cơn đau nửa đầu.
Axit Citric và Axit Ascorbic có thể làm ảnh hưởng đến men răng khi bạn tiêu thụ quá nhiều nước chanh.
Uống quá nhiều nước chanh có thể khiến bạn cảm thấy nôn nao, khó chịu, cồn cào trong bụng.
Lưu ý khi dùng chanh
Bạn nên dùng nước chanh sau bữa ăn khoảng 30 phút, không nên uống khi bụng đói, bởi Axit trong chanh có thể gây hại cho dạ dày.
Không nên uống nước cốt chanh nguyên chất vì nồng độ Axit trong chanh khá cao. Nếu uống trực tiếp có thể gây tổn thương cho niêm mạc thực quản và dạ dày. Bạn nên pha nước cốt chanh với nước ấm, có thể cho thêm mật ong để sử dụng.
Các hợp chất Flavonoid trong nước chanh có thể tương tác với thuốc gây tác dụng phụ hoặc ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa ở gan. Nước chanh cũng có thể cản trở quá trình hấp thu các thành phần của thuốc vào máu và làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc. Vì vậy, bạn không nên dùng chanh cùng với thuốc.
Ai không nên uống nước chanh?
Đó chính là những người đang bị rối loạn tiêu hóa, người bị tiêu chảy, người mắc các bệnh về dạ dày, người sắp hoặc mới phẫu thuật xong cũng như người mắc các bệnh về máu.
Một số thực phẩm bạn không nên sử dụng cùng với chanh như: Sữa, rượu vang đỏ, đồ ăn cay nóng, quả đu đủ. Vì thế, bạn không nên ăn những thực phẩm này cùng lúc hay gần thời điểm với chanh.
Để giảm tác động của Axit lên men răng, khi uống nước chanh bạn có thể dùng ống hút.
Bạn không nên pha chanh với nước quá nóng, vì có thể khiến các Enzyme có lợi trong chanh bị phá vỡ và khiến nước chanh bị đắng.
Một số người có thói quen dùng nước chanh giải rượu. Nhưng đây là một quan điểm sai lầm, vì Axit trong chanh kết hợp với cồn trong rượu sẽ càng khiến dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Do đó bạn không nên áp dụng cách giải rượu này thường xuyên để tránh những hậu quả khôn lường.