Chúng tôi có khá nhiều thời gian rong ruổi trên những bản làng mờ sương; hay chí ít, cũng đã đi qua mấy bận nơi miền biên cương xa lơ xa lắc. Sau bao chuyến ngược ngàn mừng vui, tự hào về những vùng đất quê hương chứa đựng bao di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhưng cũng bâng khuâng nuối tiếc về những nơi ấy, có không ít những giá trị văn hóa bị phai mòn...
Nuối tiếc một thời vàng son…
Một trong những nét văn hóa đặt trưng, trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia của Việt Nam là chữ Nôm Dao – một loại chữ viết của người Dao, dựa trên chữ Hán và đã được Dao hóa, được cộng đồng người Dao ở các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn… sử dụng trong đời sống hàng ngày. Dẫu cuộc sống đổi thay, nhưng tiếng Dao và chữ viết Dao vẫn tồn tại, trở thành thứ không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng người Dao.
Còn và còn rất nhiều nữa, những di sản quý của vùng DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí đã biến mất, rất khó để phục hồi, phục dựng lại. Những di sản ấy qua tháng năm đã làm dày thêm trầm tích văn hóa của vùng DTTS, nhưng cũng là nỗi đau đáu của thế hệ hôm nay chưa tận hiểu biết hết, chưa thể gìn giữ đủ đầy về những vốn quý của các bậc tiền nhân.
Theo những người cao tuổi, việc thực hiện các nghi lễ như lễ cấp sắc, lễ tạ mả, lễ Tết nhảy, lễ Khai quang… đều phải được tiến hành bằng chữ Nôm Dao và tiếng Dao văn chương mà không phải tiếng Dao đời thường.
Nhưng thực tế là chữ Nôm Dao, một di sản văn hóa quý báu, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Dao đang đứng trước nguy cơ phai mòn tại chính nơi này, bởi những người biết sử dụng thành thạo chữ Nôm Dao ngày một ít đi.
Xuôi về phương Nam theo bước chân tiền nhân xưa kia mở cõi, là những chứng tích còn sót lại của một thời vàng son văn hóa Champa. Cả một dọc dài vùng Nam Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể của người Chăm. Nhiều công trình kiến trúc tinh xảo, giá trị, với bề dày lịch sử đã biến mất, hoặc xuống cấp theo thời gian...
Ngay như khu tháp Chiên Đàn ở thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam) - Nơi đây có ba ngôi tháp khá lớn, tuy nhiên chỉ còn tháp trung tâm là giữ được hình thù của một ngôi tháp Chăm với phần thân và chóp mái, hai ngôi tháp còn lại đã mất hoàn toàn các tầng phía trên, chỉ còn lại phần thân tháp.
Xung quanh tháp Chiên Đàn, là dấu tích của nhiều công trình đã sụp đổ, chứng tỏ sự bề thế của khu đền tháp trong thời kỳ thịnh vượng. Qua các đợt khai quật, giới khoa học đã ghi nhận những tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch, từ tượng nam thần, nữ thần, nhạc công, Apsara, động vật đến đài thờ…
Vẫn hiểu rằng, cuộc sống luôn chuyển dời, thì văn hóa cũng theo đó mà biến đổi. Nhưng cảm giác mất mát một thứ vật chất gắn với đời sống hàng trăm năm, nhiều thế hệ nối nhau cộng hưởng và bồi đắp nên cội rễ văn hóa truyền thống cả tộc người, thì tránh sao được nỗi bâng khuâng trăn trở. Đó cũng là câu chuyện không gian văn hóa trên Kinh lá buông của người Khmer ở vùng “bảy núi” An Giang.
Trong tiềm thức người Khmer tại An Giang, Satra (Kinh lá buông), là hồn cốt của dân tộc. Đây là loại thư tịch cổ được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali trên lá buông, xuất hiện từ khoảng thế kỷ XIX. Với nét văn hóa độc đáo, là sản phẩm vô giá trong tôn giáo Nam tông Khmer, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer”, là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Điều lo lắng nhất hiện nay, là việc không đủ nguyên liệu để khắc kinh. Bởi lá buông không còn dễ tìm thấy như ngày trước, hoặc nếu có cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Không chỉ bị mai một về các bản Kinh lá buông, người chép kinh cũng dần thưa thớt.
Lịch sử hình thành vùng đất và tộc người, cũng là lịch sử hình thành của tín ngưỡng và văn hóa. Có những di sản là minh chứng cho một cuộc mở đất, dựng bản, lập mường; nhưng cũng có di sản là bề dày lịch sử ngàn năm của một tộc người với những thăng trầm… Sau tất cả những biến đổi của thời cuộc là nỗi trăn trở, đau đáu của đất và người nơi ấy về những giá trị văn hóa đang ngày một phai mòn, mà nhiều khi rất khó cưỡng cầu để gìn giữ.
Theo Sở Nội vụ tỉnh An Giang, Kinh lá buông là tài liệu quý, độc đáo về vật liệu chế tác và chữ viết cổ đang được bảo quản và sử dụng tại các chùa Khmer, tập trung ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (trên 100 bộ).
Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết: Những năm gần đây, nguyên liệu để khắc kinh không đáp ứng đủ. Lá buông không còn dễ tìm thấy như ngày trước. Chúng tôi buộc phải tìm mua nguyên liệu từ các cánh rừng của Campuchia để phục vụ cho việc chép kinh, truyền dạy viết kinh trên lá buông…
"Nếu không có chính sách hỗ trợ, bảo quản và nhân giống cây buông, làm dồi dào nguồn nguyên liệu cho việc tập huấn, đào tạo nghệ nhân khắc chữ, tiến tới phục hồi các bộ kinh trong hệ thống chùa Khmer… thì tôi nghĩ Kinh lá buông sẽ dần biến mất", Hòa thượng lo lắng.
Người chép kinh cũng dần thưa thớt. Giai đoạn trước đây, kỹ thuật viết kinh chỉ được chân truyền cho các đệ tử giỏi nhất nên không nhiều sư sãi biết được. Trong hệ thống các chùa chiền Khmer đã vậy, thì người dân càng khó được biết đến Kinh lá buông.
Trở lại với vùng đất Nam Trung Bộ - vùng đất của những di sản văn hóa Champa, cũng đã chứng kiến sự xuống cấp, dần biết mất của nhiều di tích quý. Theo thời gian, nhiều di sản trong hệ thống chùa, tháp, lăng… của nền văn hóa Champa chỉ còn là phế tích.
Người Chăm ở vùng Nam Trung Bộ, hơn ai hết, muốn có một bức tranh phổ quát, một cái nhìn toàn cảnh về văn hóa Champa, về những di sản mà cha ông đã để lại…, nhưng đó là điều không phải dễ dàng, nếu muốn thì cũng rất khó khăn. Những di sản Champa hiện nay còn hiện hữu, nếu không bảo tồn được, thì cũng sẽ biến mất; là điều hẫng hụt đáng tiếc cho hậu thế.
Còn và còn rất nhiều nữa, những di sản quý của vùng DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí đã biến mất, rất khó để phục hồi, phục dựng lại. Những di sản ấy qua tháng năm đã làm dày thêm trầm tích văn hóa của vùng DTTS, nhưng cũng là nỗi đau đáu của thế hệ hôm nay chưa hiểu biết hết, chưa thể gìn giữ đủ đầy về những vốn quý của các bậc tiền nhân.
Khẩn trương hơn nữa trong công tác giữ gìn di sản là con đường cuối cùng, là phương cách cuối cùng để khỏi có lỗi với người xưa và cũng không hổ thẹn với người sau.