Sự lơ là của người lớn
Ngày 16/3, YouTuber (người sản xuất nội dung trên youtube) Thơ Nguyễn đăng tải clip "xin vía học giỏi" lên internet, đã bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng vì vi phạm về cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan.
Theo phân tích trên socialblade.com, một website chuyên phân tích, thống kê các kênh YouTube, kênh YouTube Thơ Nguyễn tại Việt Nam, khởi tạo từ ngày 6/3/2016, tính đến nay, có tổng cộng 8,74 triệu lượt người theo dõi, với hơn 6,3 tỉ lượt xem video từ 1.199 video được đăng tải.
Xem kênh của Thơ Nguyễn sẽ còn thấy nhiều clip khác như: dạy trẻ cách trèo lan can, ban công ở tầng cao; tự mình chui vào sống 24h trong bãi rác... Cho đến khi cô này bị tuýt còi, nhiều phụ huynh mới giật mình nhận ra rằng: con cái mình thường xuyên theo dõi những video, clip như thế trên mạng xã hội.
Ngoài ra, còn nhiều kênh khác như: Kênh PHD Troll, Kênh Hưng Vlog/ Hưng Troll, Hậu Cáo TV, Ca Cường TV, Hành tinh đồ chơi – Toy Planet... cũng có những nội dung nhảm nhí như thử thách, trêu chọc như vậy.
Trên thực tế, gần như không có kênh Youtube nào cảnh báo trẻ em, nội dung giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều cháu bé được bố mẹ cho xem thoải mái, không hề kiểm soát, chọn lọc nội dung nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Việc trẻ học theo video độc hại, dẫn tới những tai nạn đáng tiếc không phải là hiếm. Ngày12/10/2019, tại TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra một vụ việc đau lòng khiến các bậc phụ huynh không khỏi bàng hoàng, sợ hãi. Nạn nhân vụ việc thương tâm là một bé gái tên D., (5 tuổi) đã tử vong vì học và làm theo trò treo cổ khi xem Youtube.
Những nội dung bạo lực, nguy hiểm trên thế giới mạng, hiện là vấn đề đáng báo động và việc ngăn chặn triệt để những nội dung chưa phù hợp cho trẻ em là rất khó. Trẻ em là đối tượng chưa được phát triển hoàn thiện nhân cách, nhận thức. Thế nên, những video này sẽ từ từ đi sâu vào tiềm thức, khi trẻ bị kích thích sẽ hành động theo tiềm thức có sẵn, và dễ gây nguy hiểm cho chính bản thân trẻ cũng như những người xung quanh.
Cần một “màng lọc” để bảo vệ trẻ em
Trẻ em ngày nay chỉ cần một cái chạm tay, là bước vào một thế giới rộng mở. Thế giới của công dân số nhiều điều thú vị để học hỏi, nhưng cũng đầy rẫy những hiểm họa, nguy cơ. Cảnh các em bé vài tuổi phải có ipad, điện thoại để xem youtube mới chịu ăn cơm, là cảnh quen thuộc không chỉ ở thành phố mà cả các vùng nông thôn. Các chuyên gia nhận định rằng, dành quá nhiều thời gian cho internet là yếu tố làm gia tăng các chứng bệnh về tâm thần ở trẻ em, như tình trạng trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi...
Thế nhưng, cũng không chỉ mỗi con trẻ mà nhiều người lớn cũng nghiện mạng xã hội, làm sao chúng ta có thể giáo dục trẻ khi chính mình không thể bỏ điện thoại xuống? Chính những sự dễ dãi của phụ huynh, đã vô tình tiếp tay cho những nội dung xấu độc cho con trẻ xem. Để những kênh nhảm nhí, độc hại như Thơ Nguyễn xuất hiện, ta thấy cả phần trách nhiệm của các bậc phụ huynh.
Vì vậy, thiết nghĩ các bậc phụ huynh chỉ cần bỏ thêm vài tiếng đồng hồ để chọn lọc, tải về các clip thật sự sạch, phim giáo dục, phim hoạt hình kinh điển, clip của chính các con múa hát, tập đọc, video gia đình đi dã ngoại, du lịch...; là có thể xây dựng được một “màng lọc” nội dung cho con mình.
Khi bố mẹ trở thành người kiểm duyệt nội dung cho con mình, chúng ta có thể ngắt hoàn toàn việc cho con tiếp xúc với thông tin xấu, độc từ Internet. Do đó, để ngăn chặn sự ảnh hưởng từ video xấu độc, cần có sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng, gia đình và xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Ngoài ra, xét ở góc độ quản lý, thực tế có thể thấy, mức phạt hiện nay với các chủ kênh Youtube có nội dung nhảm nhí còn quá nhẹ, không thấm vào đâu so với thu nhập khủng mà họ nhận lại. Thơ Nguyễn chỉ bị phạt 7,5 triệu đồng và “tái xuất” trong một thời gian ngắn.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, cách làm như hiện nay, không thể giải quyết tận gốc vấn nạn này, vì chúng ta phải chạy theo sau các nội dung độc, xử lý được một cái, lại có mười cái khác mọc ra. Đã đến lúc cần ứng dụng các bộ lọc mạnh mẽ hơn bằng công nghệ, bằng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để dò tìm trực tiếp các nội dung xấu độc và xử lý nó từ trứng nước. Các bước xử lý cũng cần tự động hóa, thay vì dùng sức người và các thủ tục hành chính như hiện tại. Có vậy, mới mong tiêu diệt triệt để các loại nội dung này trong tương lai.