Hướng dẫn viên du lịch của làng Ốp, TP. Pleiku tự tin giới thiệu đến du khách về vẻ đẹp của làng du lịch cộng đồng.Trong hành trình du lịch tân niên khám phá Tây Nguyên, một ngôi làng giữa lòng phố núi hứa hẹn sẽ “đốn tim” du khách, đó là du lịch cộng đồng làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku. Ngôi làng được thành lập khoảng năm 1927 với khoảng 130 hộ, 650 khẩu, chủ yếu là đồng bào Gia Rai.
Đến với làng Ốp, ngoài nhà rông, du khách có thể thong dong thả bộ trên những con đường làng sạch sẽ, thoáng đãng và trò chuyện với những người dân thân thiện, hiếu khách; ngắm những đồng lúa, vườn rau xanh mướt. Nằm trong lòng TP. Pleiku, làng Ốp được bao bọc bởi thung lũng Ia Lâm và 2 con suối Ia Nin và Ia Năk trong vắt, ngày đêm róc rách, hiền hòa ôm lấy làng khiến khung cảnh càng nên thơ, bình yên.
Đặc biệt, trong dịp cuối năm 2024, để phục vụ du khách được chuyên nghiệp hơn, Tour du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại làng Ốp được ra mắt với 49 hướng dẫn viên du lịch cộng đồng là người dân của làng được đào tạo bài bản.
Anh Rah Lan Thắng, làng Ốp, TP. Pleiku hào hứng cho biết: Chúng tôi luôn sẵn sàng đón tiếp và chia sẻ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Gia Rai đến du khách để họ có được sự trải nghiệm thú vị, đáng nhớ trong dịp năm mới khi đến với làng Ốp. Cũng trong hành trình trải nghiệm phố núi Pleiku, du khách có thể chiêm ngưỡng những bông hoa mai vàng óng ánh trong nắng dịu ngọt tại làng hoa mai rừng xã Ia Kênh, TP. Pleiku…
Du khách trải nghiệm làm rượu cần truyền thống tại làng Ốp, TP. Pleiku.Tìm về làng du lịch cộng đồng Mơ Hra – Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang của đồng bào Ba Na, du khách sẽ được đắm chìm trong âm thanh kỳ vĩ của dàn nhạc cồng chiêng giữa đại ngàn hoang sơ. Được ví như một “cánh chim đầu đàn” của huyện Kbang về nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đội nghệ nhân cồng chiêng của làng du lịch cộng đồng Mơ Hra - Đáp đã sẵn sàng cho các lễ hội đầu năm như mừng lúa mới, mừng năm mới… cùng những tiếng cồng chiêng rộn ràng, đặc sắc.
Già làng Đinh Văn Hmưnh, Nghệ nhân Ưu tú chia sẻ: “Hiện tại, làng Mơ Hra - Đáp có 5 đội cồng chiêng, bao gồm 3 đội người lớn, 1 đội phụ nữ và 1 đội “cồng chiêng nhí”. Các đội cồng chiêng của làng không chỉ biểu diễn trong các nghi lễ truyền thống mà còn đại diện cho huyện Kbang tham gia nhiều sự kiện văn hóa lớn, mang lại niềm tự hào cho cộng đồng”.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, tài nguyên bản địa, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các mô hình du lịch cộng đồng đang phát triển với khoảng hơn 20 làng trên toàn tỉnh sẵn sàng phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.
Thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất đỏ bazan Gia Lai tiềm năng du lịch sinh thái phong phú với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, những khu rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật đa dạng, những ngọn thác hùng vĩ, những dòng suối róc rách đêm ngày... Gia Lai còn là cái nôi của nhiều nền văn hóa lâu đời như Ba Na và Gia Rai thể hiện qua các di chỉ khảo cổ, qua văn hóa nhà rông, nhà mồ và các lễ hội truyền thống, mừng lúa mới… được bảo tồn đậm đà bản sắc cho đến ngày nay.
Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong năm 2024, tỉnh đón khoảng 1,34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 12 ngàn lượt khách quốc tế. Đặc biệt, năm 2024, “Du lịch Gia Lai” lọt top 5 từ khóa được người dùng tại Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất theo tổng hợp của Google. Tỉnh Gia Lai đang hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững và là điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên, trong đó chú trọng phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2030.