Người có uy tín “ba trong một” chung tay xây dựng phum sóc
Càng Long là huyện phía Bắc của tỉnh Trà Vinh, cách thành phố Trà Vinh 21 km. Càng Long được xem là cửa ngõ giao lưu kinh tế – văn hóa - xã hội của Trà Vinh với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bào dân tộc Khmer 10.386 người, chiếm gần 7%, sinh sống chủ yếu trên địa bàn 3 xã: Bình Phú, Phương Thạnh và Huyền Hội. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn 4,19%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 11,55%.
Trên địa bàn huyện Càng Long có 4 chùa Khmer và cả 4 vị sư trụ trì đều là Người có uy tín trong đồng bào DTTS, đây là một lợi thế trong công tác tuyên truyền đối với đồng bào Khmer khi các vị có nhiều lợi thế. (ba trong một: vừa nhà sư, vừa trụ trì chùa Khmer và là Người có uy tín).
Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn, là cơ hội để vùng đồng bào DTTS huyện Càng Long được thụ hưởng các nguồn lực, từ các dự án để đồng bào DTTS có cơ hội phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng. Để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn, cần có sự đồng thuận của người dân nơi đây.
Nắm bắt được tình hình, các vị sư trụ trì chùa Khmer họp trao đổi trong Thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước ((ĐKSSYN) huyện, quyết tâm cùng với chính quyền địa phương và các vị Người có uy tín trên địa bàn, xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho đồng bào phật tử.
Thượng tọa Thạch Thường, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước (ĐKSSYN) huyện Càng Long cho biết, chúng tôi mang tài liệu đi tập huấn từ Ban Dân tộc tỉnh cho Người có uy tín sửa lại cho ngắn gọn và in bằng tiếng Khmer, phát cho phật tử nhân dịp rằm hay lễ hội truyền thống, động viên mọi người phải đọc và thực hiện như kinh phật .
“Qua tiếp thu các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận thức trong chư tăng, phật tử được nâng lên, càng yên tâm tu học và hành đạo, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tích cực tham gia vào các phong trào hành động cách mạng tại địa phương, nhất là tham gia xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở phum sóc”, Thượng toạ chia sẻ.
Trong giai đoạn 2018 - 2023, Hội ĐKSSYN huyện Càng Long đã thực hiện đã vận động chư tăng và Ban quản trị chùa tham gia học quy chế chùa, trụ trì, báo cáo viên do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức; tham dự hội nghị phổ biến pháp luật cho các vị Người có uy tín trong huyện.
Kết quả đã tổ chức thuyết giảng và tuyên truyền 720 cuộc, có 39.760 lượt chư tăng và phật tử tham dự. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của đội ngũ Người có uy tín luôn phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở địa phương làm tốt vai trò nòng cốt trong các phong trào như, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Từ sự đồng thuận trong Nhân dân từ sự đóng góp quan trọng của đội ngũ Người có uy tín là chức sắc, tôn giáo... đã lan toả tình đoàn kết các dân tộc để xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện càng Long. Minh chứng cho hiệu quả trong công tác vận động của các vị, là đã có 100% xã khó khăn ở huyện Càng Long được công nhận nông thôn mới.
Đến hết năm 2022, huyện có 107/111 ấp nông thôn mới và 16 ấp nông thôn mới kiễu mẫu; có 13 xã đạt chẩn nông thôn mới và 5 xã nông thôn mới nâng cao; Năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao tiêu chí huyện Nông thôn mới, phấn đấu xây dựng thêm 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiễu mẫu, xây dựng 100% ấp đạt ấp nông thôn mới.
“Điểm tựa” của phum sóc
Là một gương điển hình tiêu biểu ở Ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh (Càng Long), Thượng tọa Thạch Thanh Huyền trụ trì chùa Phương Thạnh (Pisay) được người dân yêu mến, tín nhiệm bởi những đóng góp của Thượng toạ trong phum sóc. Chúng tôi được vấn an Thượng toạ sau Lễ hội Ooc Om Bok của đồng bào Khmer. Với đôi chân trần, đầu không khăn nón, Thượng toạ cùng các thợ đang thi công trùng tu ngôi chùa Khmer được xếp hạng Di tích Quốc gia.
Thượng tọa Thạch Thanh Huyền chia sẻ, dù mình làm cương vị nào, nhà tu hành hay chức sắc tôn giáo khi được đồng bào tín nhiệm bầu làm Người có uy tín, Sư luôn nêu cao tinh thần hướng dẫn các vị sư, chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết giữa sư sãi, phật tử và Ban trị sự. Quan tâm chăm lo đời sống của các vị sư sãi, đồng bào phật tử; tạo điều kiện thuận lợi cho các vị sư được tu học, chấp hành tốt giáo lý điều lệ của nhà chùa và thực hiện đúng theo chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Trong các phong trào thi đua yêu nước, thượng tọa Thạch Thanh Huyền luôn là người tiên phong, tranh thủ tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào tăng cường đoàn kết ở cộng đồng dân cư. Trong năm 2021 – 2022, chùa đã mở lớp học ngữ văn Khmer và Pali được 9 lớp, có 168 tăng sinh và con em theo học; thường xuyên tuyên truyền giáo dục trong các vị chư tăng và đồng bào phật tử về việc học tập và làm theo tấp gương đạo đức của Bác, biết rèn luyện phẩm chất đạo đức, tốt đời đẹp đạo, làm người công dân tốt trong xã hội.
Ông Huỳnh Công Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Càng Long, ghi nhận, trên địa bàn huyện Càng Long có 04 chùa Nam tông Khmer, cả 4 vị trụ trì là đều được đồng bào tín nhiệm và được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận là Người có uy tín trong đồng bào Khmer. Các vị đã gánh vác được vai trò là cầu nối với ý Đảng với lòng dân. Ngoài Thượng toạ Thạch Huyền, còn có Thượng tọa Thạch Thường, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Càng Long, cũng là một trong những gương sáng trong việc kêu gọi đồng bào đoàn kết toàn dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Nhất là trong công tác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và vận động đồng bào vùng dự án đồng thuận cao cùng chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình MTTQ 1719.