Tiêu biểu là Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết cây quế, với tổng kinh phí trên 9,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dự án được thực hiện tại 13 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mục tiêu của dự án nhằm mở rộng diện tích cây quế, dần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, hình thành chuỗi giá trị phát triển cây quế.
Đồng thời, hỗ trợ tư vấn lập dự án; giống, vật tư, tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, quảng bá xúc tiến thương mại cho sản phẩm, thiết lập mã truy xuất nguồn gốc và bao tiêu sản phẩm.
Những hộ được chọn tham gia dự án, là những hộ có kinh nghiệm và có đất trồng quế. Anh Hồ Văn Năng, ở xã Trà Thủy (Trà Bồng), tham gia dự án năm 2023, anh được cấp 5.000 cây quế giống và được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăm sóc cây quế. Đến nay, cây quế do anh trồng sinh trưởng khá tốt, tỷ lệ sống cao.
Anh Năng chia sẻ: Gia đình tôi có vườn quế, nhưng với cách chăm sóc truyền thống, cây quế chậm phát triển và chất lượng chưa đảm bảo. Giờ chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật, lại được cán bộ thường xuyên hỗ trợ nên cây quế phát triển rất tốt.
Còn ông Hồ Văn Thẩm, xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng có thu nhập ổn định từ 100-150 triệu đồng/năm từ 2ha quế. Ông Thẩm cho biết: Quế Trà Bồng có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng và chứa hàm lượng tinh dầu cao và được xếp vào “tứ đại danh dược”. Vỏ và tinh dầu quế được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, chế biến thực phẩm, làm hương liệu…
"Cây quế được các nhà máy đặt ngay tại địa bàn huyện thu mua chế biến thành nhiều sản phẩm. Có đầu ra ổn định, do vậy cây quế được gia đình cũng như các hộ đồng bào Co nơi đây chăm sóc, gìn giữ, nhân rộng theo từng năm", ông Thẩm thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng, quế là cây trồng truyền thống ở huyện, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Dự án nói trên được triển khai hướng đến mục tiêu phát triển cây quế với sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu quế, đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm, cũng như xây dựng thương hiệu “Cây quế Trà Bồng”. Đồng thời, giúp đồng bào DTTS thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong canh tác nông nghiệp, cũng như phát triển kinh tế hộ gia đình.
“Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đảm bảo từ cung ứng giống vật tư đến tiêu thụ sản phẩm và thay đổi nhận thức của người dân về canh tác cây quế theo chuỗi liên kết. Thời gian tới, chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm đối với những hộ dân tham gia dự án quế và những hộ dân lân cận có phát triển cây quế trên địa bàn”, ông Vinh cho biết thêm.
Theo ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, trước đây, đồng bào sống dựa vào cây quế, bà con lột quế bán như một mặt hàng tự phát chỉ để mua thực phẩm. Nhưng nay, sản phẩm cây quế đã được nâng cao giá trị nhờ sự liên kết chặt chẽ hơn trong khâu trồng và thu mua. Người dân sản xuất cây quế được doanh nghiệp bao tiêu thu mua sản xuất thành các sản phẩm hàng hóa tại địa phương. Nhiều vùng quế chất lượng như Trà Thủy, Trà Thọ doanh nghiệp đã đến trực tiếp liên hệ thu mua với người dân, hoặc tổ chức các đại lý tại vùng quế để thu mua giúp bà con.
Cũng theo ông Sương, để phát triển cây quế nói riêng, dược liệu quý nói chung theo chuỗi giá trị thực hiện Quyết định 1353/QĐ-BYT ngày 26/5/2022 của Bộ Y tế về Kế hoạch “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý” giai đoạn 2021-2025 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 1 (2021-2025), Viện dược liệu- Bộ Y tế đã phối hợp với huyện Trà Bồng khảo sát, chọn địa điểm trồng, phát triển 15 loại cây dược liệu quý như: bách bộ, đảng sâm Việt Nam, đương quy Nhật Bản, gừng sẻ (gừng gió), lá khôi, lan kim tuyến, quế, sa nhân tím, sâm cau, sâm Việt Nam, thảo quả, thiên niên kiện, thổ phục linh và trầm hương.
Mục tiêu đến năm 2025, huyện Trà Bồng sẽ trồng hơn 2.300 ha được liệu tại các xã Sơn Trà, Trà Phong, Trà Bùi, Trà Tây, Trà Thanh, Hương Trà; trong đó, có 180 ha cây dược liệu dưới tán rừng, 30 ha trồng áp dụng công nghệ cao. Đồng thời, hình thành 02 Khu vực bảo quản, sơ chế, chế biến và chiết suất đạt tiêu chuẩn GMP và GSP từ quế và các dược liệu khác ở Trà Bồng.
“Việc phát triển cây dược liệu ở Trà Bồng có sự liên kết đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp sẽ góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho tối thiểu 1.500 lao động trên địa bàn huyện, trong đó tối thiểu trên 50% lao động là người DTTS”, ông Sương chia sẻ thêm.