Bảo tồn văn hóa truyền thống
TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), có 72 thôn, 143 tổ dân phố, 33 buôn, 40 thành phần dân tộc cùng sinh sống; trong đó có 16% đồng bào DTTS. Ngoài việc quan tâm phát triển kinh tế-xã hội trong các buôn, cụm dân cư DTTS, những năm qua, thành phố còn tập trung xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nhà văn hóa cộng đồng cho 33 buôn đồng bào DTTS tại chỗ; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS. Theo đó, nhiều nghi lễ, lễ hội đã được phục dựng; công tác sưu tầm để bảo tồn, lưu giữ các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của các DTTS được chú trọng.
Hai năm một lần, TP. Buôn Ma Thuột tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao đồng bào các DTTS TP. Buôn Ma Thuột, với nhiều hoạt động đặc sắc như: diễn tấu cồng chiêng, giã gạo nhanh, đan lát truyền thống, dệt thổ cẩm, dân ca, dân vũ và các nội dung thể thao sôi nổi khác.
Hằng năm, UBND TP. Buôn Ma Thuột còn mở các lớp dạy đánh chiêng cho thanh-thiếu nhi và đồng bào Ê-đê; nâng cao kỹ năng đánh chiêng cho các nghệ nhân; tổ chức phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn…
Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm, buôn M’duk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột là một bậc thầy lâu năm trong truyền dạy đánh cồng chiêng và chiêng tre. Ông cho biết: “Tôi rất vui vì hằng năm được Sở Văn hóa và UBND thành phố mời đi dạy đánh cồng chiêng cho thanh-thiếu nhi ở các buôn làng, làm giám khảo các hội diễn tấu cồng chiêng. Trước thực trạng di sản văn hóa cồng chiêng đang bị mai một, việc duy trì tổ chức các lớp dạy cồng chiêng và các hoạt động văn hóa truyền thống rất quan trọng, góp phần khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống trong giới trẻ”.
Gắn với phát triển kinh tế
Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế. Minh chứng như HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch, thu nhập của HTX tăng lên 25-30%. Sản phẩm của Tơng Bông cũng được giới thiệu ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước; được trưng bày ở các cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế trong nước và xuất khẩu sang Malaysia, Singapore và một số nước châu Âu. HTX đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân trong buôn.
Được biết, từ năm 2017, TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, thành phố đã lựa chọn một số giá trị văn hóa đặc trưng để xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa du lịch; tập trung tại 3 buôn: Akô Dhông (phường Tân Lợi); buôn Tuôr (xã Hòa Phú); buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu), trong đó, buôn Tuôr hiện đã được khảo sát để đầu tư bảo tồn gắn với việc phục vụ du lịch cộng đồng; phục dựng một số nghi lễ đặc trưng; bảo tồn chữ viết của một số đồng bào DTTS; lựa chọn tu bổ, cải tạo, sửa chữa 6 bến nước và phục dựng 5 ngôi nhà dài truyền thống hiện đã xuống cấp tại một số buôn; mỗi năm mở từ 5 lớp trở lên truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng và sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thanh-thiếu niên người DTTS; mỗi buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS thành lập hoặc duy trì từ 1 đội diễn tấu chiêng hoặc 1-2 đội văn nghệ dân gian.
Ngoài ra, ngành Văn hóa sẽ tổ chức giảng dạy chữ viết của đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố theo hình thức ngoại khóa tại một số cụm dân cư; hằng năm, duy trì tổ chức Tết cổ truyền của dân tộc Thái tại xã Hòa Phú; Lễ hội hạ nêu của dân tộc Mường tại xã Hòa Thắng…
Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở 33 buôn của thành phố, năm 2018 toàn thành phố còn 162 dàn chiêng, 389 nhà truyền thống, 17 bến nước. Toàn thành phố hiện 23 đội cồng chiêng, còn 254 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, 40 nghệ nhân truyền dạy chiêng; 19 nghệ nhân chỉnh chiêng; 20 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ; 438 người biết dệt thổ cẩm.
Hiện nay, khoảng 10 đội chiêng đủ năng lực trình diễn và truyền dạy cho các thế hệ nối tiếp. Các đội chiêng thường xuyên biểu diễn trong các chương trình do tỉnh, thành phố tổ chức và tại các điểm du lịch cộng đồng có thêm nguồn thu nhập. Các nghệ nhân dệt thổ cẩm cũng tìm nhiều cách mở rộng thị trường, cách tân sản phẩm có thể sống được với nghề.
Hằng năm, UBND TP. Buôn Ma Thuột còn mở các lớp dạy đánh chiêng cho thanh-thiếu nhi và đồng bào Ê-đê, nâng cao kỹ năng đánh chiêng cho các nghệ nhân; tổ chức phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn…
LÊ HƯỜNG