Có cầu ắt có cung
Bà Triệu Thị Huyền, ở xã Cao Tân, nhưng nhiều tháng nay không có mặt ở địa phương. Theo người nhà cho biết, bà Huyền hiện đang làm việc ở Trung Quốc. Thậm chí, từng nhiều lần xuất cảnh đi lao động chui, vài năm trở lại đây, bà Huyền bắt đầu tuyển lao động để cùng làm việc.
Theo lời kể của chồng bà là ông Lường Văn Cung, bà thường xuyên dẫn nhiều người ở những vùng lân cận đi lao động nếu có nhu cầu. Số lượng mỗi tốp lên tới vài chục người. Họ thường làm những công việc như: xây dựng, phục vụ, nông nghiệp… Địa chỉ làm việc thường tại Quảng Đông, Trung Quốc với thời gian từ nửa tháng đến vài tháng. Mỗi ngày lương trung bình họ được trả 400.000 đồng. Những người theo bà Huyền hầu như không có giấy tờ lao động hợp pháp.
Công an huyện Pác Nặm cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Pác Nặm có 200 công dân thường xuyên vắng mặt, phần lớn là đi lao động trái phép. Số lượng lao động chui tại các xã Cao Tân, Cổ Linh, Nghiên Loan ở mức rất cao. Theo cung cấp của UBND xã Cổ Linh, trong 6 tháng đầu năm, có 105 người dân đi lao động trái phép và số lượng này đang có xu hướng gia tăng.
Ông Lương Văn Huấn, Phó Chủ tịch xã Cổ Linh cho biết, mặc dù chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu lao động trái phép là vi phạm pháp luật; tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng tình trạng lôi kéo nhau đi lao động chui vẫn còn nhức nhối. Ông cho rằng, giải pháp lâu dài vẫn là giải quyết bài toán sinh kế cho người dân để họ thoát nghèo ngay trên quê hương.
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động chui đang ngày càng nhiều này, chủ yếu từ hoàn cảnh khách quan khi đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hiện tại ở Pác Nặm chiếm 53,06%. Thu nhập chính của đồng bào đến từ nông nghiệp, nhưng tại huyện miền cao khí hậu khắc nghiệt, hay gặp thiên tai, dịch bệnh như Pác Nặm, thì đây không phải là thế mạnh.
Mặc dù, đi lao động theo đường chính ngạch đã được hỗ trợ theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, địa phương triển khai nhưng việc triển khai cho vay theo chính sách này tại một số địa phương còn hạn chế. Người dân thì gặp trở ngại bởi đi xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch, thường đòi hỏi trình độ cao về cả tay nghề và ngoại ngữ. Do vậy, họ rất dễ bị rủ rê lôi kéo đi lao động chui.
Để khắc phục tình trạng lao động chui cần phải đổi mới, nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không vượt biên trái phép; tăng cường quản lý lực lượng lao động tại địa bàn từng xã.
Bên cạnh đó cần vận động gia đình có con em đang đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài về nước; ngăn chặn kịp thời những biểu hiện mới phát sinh ngay tại từng địa phương, từng khu dân cư.
Về lâu dài, giải quyết việc làm ở địa phương cho người lao động mới là vấn đề cốt lõi. Các ban, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường, phù hợp với người lao động đồng thời cung cấp thông tin về thị trường lao động và cơ hội việc làm cho bà con DTTS.
HỒNG PHÚC