Anh Nguyễn Việt Hưng, dân tộc Tày (An Tường, Yên Sơn, Tuyên Quang): Nhận thức được trọng trách cao cả
Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, tôi vô cùng đau xót. Từ thời còn đi học, mỗi khi về quê, tôi thường nghe người lớn kể về những lần bác Tổng Bí thư đến thăm. Tổng Bí thư thường đi đến vùng sâu, vùng xa để thăm hỏi đời sống của đồng bào DTTS, động viên thanh niên học tập và phấn đấu xây dựng quê hương.
Tổng Bí thư luôn đặt ưu tiên hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, sinh viên, phát triển nguồn nhân lực người DTTS. Nhờ sự quan tâm động viên đó, nhiều thế hệ thanh niên DTTS đã trưởng thành, trở thành những công dân ưu tú, quay trở về cống hiến cho quê hương
Tôi còn 3 tháng nữa là tốt nghiệp Thạc sĩ, bác sĩ nội trú chuyên ngành Tim mạch tại trường Đại học Y Hà Nội. Nhờ sự phát triển của đất nước, chuyên ngành Tim mạch cũng nhanh chóng tiến bộ, sánh vai với các nền y học hàng đầu thế giới. Tôi càng ý thức được trách nhiệm nâng cao chuyên môn và năng lực. Luôn ghi nhớ lời dạy của bác Tổng Bí thư về cuộc sống và danh dự sống, tôi càng ý thức được trách nhiệm cao cả của mình trong nghề y - không phải sống vì mình mà vì sức khỏe của Nhân dân, để báo đáp ơn Đảng, ơn đất nước. Tôi luôn khao khát ngày trở về cống hiến cho mảnh đất quê hương Tuyên Quang Anh hùng. Tôi có vần thơ thay lời tiễn biệt Tổng Bí thư đáng kính:
“Nhớ về những tháng năm qua,
Vầng dương chiếu rọi, ngời ngời nước non.
Danh dự còn khắc lời thề,
Nhớ Người cần mẫn, cả đời vì dân”.Chị Chảo Thị Yến, dân tộc Dao (Bát Xát, Lào Cai): Chúng tôi sẽ sống một cuộc đời thật ý nghĩa
Tôi được tin Tổng Bí thư từ trần khi đang trong chuyến công tác ở vùng núi Kon Tum, nơi mà sóng điện thoại rất hạn chế. Buổi tối, khi đoàn đang ngồi ăn và đã đốt lửa trại, thì có một chị nghẹn ngào: “Bác Trọng đi rồi”. Cả đoàn lúc đó không ai nói với ai mà ngồi im lặng, ai cũng bàng hoàng trước sự ra đi của Tổng Bí thư. Chúng tôi hủy hoạt động văn nghệ và lửa trại, ngồi bên nhau mà trong lòng ai cũng có sự mất mát không nói thành lời. Tôi đã về phòng mình để tìm góc có sóng ổn định đọc tin tức về Tổng Bí thư, đọc đến đâu nước mắt tuôn đến đó.
Từ nhỏ, bố và ông nội hay kể tôi nghe về Bác Hồ, Bác Giáp và sau này là Bác Trọng. Ở một vùng núi nơi thông tin và công nghệ còn hạn chế như quê hương Bát Xát, nhưng các câu chuyện về Bác Hồ, Bác Giáp và Bác Trọng chẳng thiếu câu chuyện nào là không truyền đến bản. Tất cả đều là những câu chuyện đi cùng tháng năm trưởng thành của tôi. Bố tôi luôn dặn dò tôi: “Hãy luôn học hỏi tinh thần sống và làm việc của bác Trọng, dù 80 tuổi nhưng bác vẫn cống hiến vì nước, vì dân”.
Đối với thanh niên DTTS chúng tôi có một tình cảm đặc biệt dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có nhiều chính sách phát triển dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều vùng núi đã khởi sắc, thế hệ thanh niên chúng tôi có nhiều cơ hội học tập, phát triển và hội nhập. Là một người con dân tộc Dao, một thanh niên khởi nghiệp, những thời điểm khó khăn nhất trong công việc và cuộc sống, tôi đều ghi khắc những lời dạy quý báu của Tổng Bí thư và lấy đó làm động lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh.
Chúng tôi sẽ sống một cuộc đời thật ý nghĩa, sẽ luôn khắc ghi lời của Tổng Bí thư: Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!
Chị Y Dấp, dân tộc Rơ Măm (huyện Sa Thầy, Tỉnh Kon Tum): Tổng Bí thư là tấm gương sáng
Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, không riêng gì tôi mà các bạn sinh viên DTTS khác đều đau buồn, tiếc thương. Đó là sự tiếc nuối và mất mát về một nhà lãnh đạo đã có những đóng góp quan trọng và tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là đối với các cộng đồng DTTS.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có rất nhiều đóng góp để đất nước ta giành được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả lĩnh vực như ngày hôm nay. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Tổng Bí thư luôn khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc và luôn thúc đẩy việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, bảo đảm sự phát triển bình đẳng cho người DTTS.
Với một sinh viên DTTS như tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo mà là một người thầy truyền cảm hứng mạnh mẽ. Bác đã đem lại cho chúng tôi niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mà chúng tôi có thể tự hào về dân tộc mình và tự tin hòa nhập với thế giới.
Sự ra đi của Bác là một mất mát to lớn đối với đất nước, nhân dân, trong đó có cá nhân tôi. Nhưng di sản mà Tổng Bí thư để lại sẽ mãi là nguồn động lực, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng tôi noi theo. Với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc, chúng tôi - những sinh viên DTTS sẽ mãi ghi nhớ công lao to lớn của Tổng Bí thư, tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện, trở thành công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chị H Nen Niê, dân tộc Ê Đê (huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk): Tổng Bí thư đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Khi nghe tin bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi cảm thấy lòng buồn nặng trĩu, như mất đi một người thân yêu, một người cha tinh thần luôn dẫn dắt thế hệ trẻ chúng tôi.
Tôi luôn kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một lãnh đạo tài ba, có tâm huyết và tầm nhìn sâu rộng. Bác không chỉ cống hiến hết mình vì sự phát triển của đất nước mà còn quan tâm sâu sắc đến đời sống của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.
Đối với tôi, bác là nguồn cảm hứng rất lớn, một tấm gương sáng về trí tuệ và và lòng yêu nước.Tôi rất ấn tượng với những chỉ đạo của Tổng Bí thư về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của các DTTS với sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng văn hóa là cốt lõi của sự tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, việc bảo tồn di sản văn hóa không chỉ giúp duy trì bản sắc dân tộc mà còn góp phần nâng cao lòng tự hào và sự đoàn kết trong cộng đồng.
Tôi hy vọng rằng trong tương lai, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa để mọi người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Anh Hồ Văn Đôi, dân tộc Tà Ôi (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế): Nhiều con em đồng bào DTTS được học cái chữ
Bác Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt là một nguyên thủ, lãnh đạo lỗi lạc của nước ta. Tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm to lớn của Tổng Bí thư đối với sự phát triển của vùng đồng bào DTTS.
Là một người con dân tộc Tà Ôi, sinh ra và lớn lên ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi hiểu rõ các khó khăn của các bạn DTTS khác gặp phải, nhất là ước mơ được đi học như bao bạn khác. Sự khao khát ấy tưởng chừng sẽ không thể tiếp tục, nhưng ánh sáng của Đảng, Nhà nước đã thắp sáng những ước mơ, khát vọng ấy cho tôi và rất nhiều các bạn trẻ người DTTS trên cả nước, khi có các chính sách cho người DTTS từ trước đến nay. Nhiều con em đồng bào DTTS đã được học tập, mang cái chữ về đóng góp phát triển quê hương.
Tổng Bí thư đã đi xa, nhưng Tổng Bí thư vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam và nhất là thế hệ trẻ - những người kế tục sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.