Ri chà nư cành là một lễ hội dân gian lâu đời của người Chăm được tổ chức vào đầu năm để cầu mưa, cầu bình an, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ vật dâng cúng luôn có hai phần: nhạt và mặn. Khi cúng, người Chăm chọn cúng vào hai ngày chẵn, lẻ. Ngày đầu cúng dê, tượng trưng cho dương; ngày hôm sau cúng gà, tượng trưng cho âm.
Người Chăm làm thịt dê để luộc dâng cúng, phần thịt con dê sẽ được chia thành hai phần: từ rốn đến hai chân trước và đầu dê sẽ để trên mâm cao; từ rốn trở xuống đuôi, hai chân sau để ở mâm thấp. Đó cũng là sự đối ngẫu âm và dương. Còn cúng chuối thì sẽ để ngửa lên khi cúng thần trời, đặt úp xuống khi cúng thần đất.
Trong lễ cúng Ri chà nư cành, người Chăm có múa điệu múa âm dương mang đậm tính phồn thực. Người ta làm 3 lễ vật dâng cúng bằng gỗ có hình dáng như sinh thực khí nam, chọn trong làng một người đàn ông khỏe mạnh, cầm khúc gỗ hình sinh thực khí đó múa cùng bà bóng. Điệu múa âm dương mang ý nghĩa trời-đất giao hòa, từ đó con người, vật nuôi, cây trồng sinh sôi, phát triển.
Bên cạnh các nghi thức cúng lễ dân gian, người Chăm còn có tục thờ sinh thực khí người đàn ông (Linga) và sinh thực khí của người phụ nữ (Yoni). Linga và Yoni chính là biểu hiện hai mặt âm dương của vũ trụ, là cội nguồn sáng tạo, là sự khởi sinh của muôn loài. Biểu tượng sinh thực khí Linga và Yoni, người Chăm gọi là Năng Lượng Sáng Tạo.
Tín ngưỡng phồn thực của người Chăm còn thể hiện trên các đền tháp, nhà cửa, trang phục. Những tòa tháp Chăm nhìn từ xa sẽ thấy chóp tháp có hình tượng của Linga, toàn bộ tháp lại là biểu tượng của Yoni. Nhà của người Chăm có nhà tục-nhà dơ tượng trưng cho phụ nữ, nhà mư dâu tượng trưng cho giống đực. Còn trang phục cũng luôn có hai mảng màu đối lập, ví dụ như áo dài của phụ nữ Chăm phần trên màu tím, màu hoa cà, phần dưới màu xanh hay màu đen.
Tất cả đều toát lên ý nghĩa phồn thực, hội nhập và chuyển hóa lẫn nhau.
SÔNG LAM