Diễn đàn nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân sống gần vùng đệm các khu bảo tồn, vườn quốc gia về sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên hướng tới việc bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng, đặc biệt trong việc khai thác phát triển lâm sản ngoài gỗ, nông nghiệp giá trị cao và du lịch sinh thái tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng.
Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại điểm chính là Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) một số tỉnh/thành phố và một số vườn quốc gia, khu bảo tồn trên cả nước.
Theo báo cáo của Tổng Cục Lâm nghiệp cả nước đã thành lập được 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích 2.303.961 ha (bao gồm cả diện tích mặt nước, đất chưa có rừng xen kẽ) thuộc 54/63 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích có rừng là 2.173.231 ha.
Để bảo tồn hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách lâm nghiệp hỗ trợ người dân sống vùng miền núi, đặc biệt là đồng bào DTTS, người nghèo sinh sống tại khu vực gần rừng, khu vực sâu, xa, khó khăn; trong đó có vùng đệm các khu bảo tồn...
Hiện nay, có 5 văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ vùng đệm của các khu rừng đặc dụng đang còn hiệu lực như: Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020...
Trong giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm có khoảng 1.100 lượt thôn/bản vùng đệm các Khu bảo tồn đã được hỗ trợ thông qua Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển vùng đệm với tổng kinh phí khoảng 43,8 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách nhà nước: 41,8 tỷ đồng, từ nguồn ngoài ngân sách: 2,0 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt kết quả, nhưng đời sống của người dân ở vùng đệm Tây bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ… vẫn còn khó khăn, tình trạng lấn chiếm, săn bắn trái phép rừng vẫn còn diễn ra, gây ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học của các khu bảo tồn và vườn quốc gia…
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp cho biết: Xác định vùng đệm là một yếu tố quan trọng trong công tác bảo tồn, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến 2030, sẽ bảo vệ chặt chẽ hệ thống rừng đặc dụng và rừng tự nhiên.
Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp 2021 - 2030, Bộ NN&PTNT đang được Chính phủ giao xây dựng các chương trình chính sách phát triển rừng đặc dụng. Trong đó chú trọng ưu tiên các chương trình, khoán bảo vệ rừng; xây dựng các đề án phát triển du lịch sinh thái, phát triển mô hình dược liệu…
Đề án được phê duyệt sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản… Hy vọng những chương trình, dự án trong thời gian tới sẽ tháo gỡ những khó khăn trong việc phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm các khu bảo tồn, vườn quốc gia.