Theo đó, tỉnh sẽ chuyển đổi gần 5.000 ha đất lúa sang trồng cây ăn trái , tập trung tại khu vực giữa Bắc Quốc lộ 1 và phía Nam đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; chuyển đổi khoảng 700ha đất lúa sang chuyên canh rau tại các khu vực có truyền thống về canh tác rau màu, chủ yếu tại huyện Châu Thành; chuyển đổi khoảng 1.300ha đất trồng lúa độc canh sang mô hình luân canh lúa - rau tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và chuyển đổi 700 ha đất trồng lúa sang chuyên canh thủy sản tại thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy.
Đây cũng là các giải pháp nằm trong Kế hoạch số 430/KH-UBND ngày 24/12/2019 của UBND tỉnh Tiền Giang về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, xác định cây trồng chuyển đổi phải thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và hạ tầng chuyển đổi phải được đầu tư hoàn thiện nhằm phát huy hiệu quả chuyển đổi.
Trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt, UBND tỉnh đã giao ngành nông nghiệp và các địa phương có liên quan tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân biết định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Các cơ quan chuyên môn có kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật canh tác, các hoạt động của chương trình khuyến nông; đồng thời tăng cường kiểm soát nguồn giống cây trồng đảm bảo chất lượng, tiếp cận và ứng dụng các yếu tố kỹ thuật canh tác liên quan đến nông nghiệp kỹ thuật cao cũng như các giải pháp tích cực nhằm đảm bảo chuyển đổi thành công.
Tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng đất trồng lúa nằm trong vùng, khu vực chuyển đổi biết được các chủ trương, chính sách và định hướng chuyển đổi của UBND tỉnh. Mặt khác, tăng cường quản lý Nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp, phối hợp nghiên cứu, khảo nghiệm lựa chọn các đối tượng cây trồng phù hợp điều kiện sinh thái từng vùng, giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Thông tin thị trường, tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại, quảng bá, truy xuất nguồn gốc được chú ý triển khai gắn với tổ chức lại sản xuất và thực hiện liên kết "bốn nhà" bền vững cũng như nhân rộng những mô hình kinh tế hợp tác làm ăn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Theo khảo sát của ngành chức năng, hiệu quả kinh tế của các loại cây ăn trái, rau màu sau chuyển đổi khá cao so với trồng lúa độc canh trước đây. Trong đó, sầu riêng, bưởi da canh cao gấp 11 -12 lần, mít và xoài gấp 9 - 10 lần so với trồng lúa, rau màu gấp 4 - 5 lần trồng lúa…
(Tin thuộc Chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)