Xuất hiện nhiều vùng chuyên canh lớn
Ghi nhận tại huyện Tân Yên, với mục tiêu từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến hết năm 2019, giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác của huyện đạt 152 triệu đồng/ha, tăng gấp đôi so với năm 2015.
Tìm hiểu thực tế trên địa bàn huyện cho thấy, tùy vào đặc điểm, thế mạnh, các địa phương trong huyện đều lựa chọn hướng đi, mô hình phù hợp. Điển hình như tại xã Lan Giới, để nâng cao giá trị sản xuất, địa phương đã lựa chọn ba cây trồng chủ lực là: Dưa bao tử, ngô ngọt và khoai tây thay cho cây lúa. Đến nay, cơ bản diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã được phủ xanh bởi các loại cây trồng này với giá trị mang lại cao hơn nhiều lần so với cấy lúa.
Trong khi đó, phát huy thế mạnh của dải đất ven sông, xã Hợp Đức cũng tập trung chuyển đổi hơn 50% diện tích đất nông nghiệp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Vải thiều sớm, ổi, nhãn, bưởi, vú sữa... Ngoài ra, huyện Tân Yên còn xây dựng 24 cánh đồng mẫu, duy trì 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, 37 mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà lưới; hình thành 98 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung... cho hiệu quả kinh tế cao. Vùng rau quả chế biến, sản xuất tập trung tại 33 vùng với diện tích 631ha, sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá trị thu nhập bình quân từ 120 - 150 triệu đồng/ha/vụ...
Tương tự, huyện Việt Yên cũng đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi 1.349ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm và trồng cây lâu năm, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, trong 5 năm (từ 2021-2025), Việt Yên sẽ chuyển đổi 775ha đất trồng lúa hai vụ; 574ha đất trồng lúa một vụ sang trồng cây hàng năm và trồng cây lâu năm.
Riêng năm 2019, tổng giá trị sản xuất toàn huyện Việt Yên đạt 8.565 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.458 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng sản xuất đạt 3,1%; giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng... Trong đó, huyện có nhiều diện tích trồng theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Hay như tại huyện Lục Ngạn, sau nhiều năm chuyển đổi, huyện đã trở thành "thủ phủ" cây ăn trái của miền Bắc. Trong đó, vải thiều chiếm 15.290ha, cây có múi 6.740ha; còn lại là ổi, táo và những cây trồng khác. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn, riêng vải thiều đạt từ 80.000-120.000 tấn. Đặc biệt, năm 2020 là năm đầu tiên vải thiều được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản. Vì vậy, giá trị mang lại từ cây ăn quả rất lớn, góp phần giảm nghèo nhanh, số hộ có thu nhập tiền tỷ liên tục tăng.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Bắc Giang. Hiệu quả từ những điểm sáng vùng chuyên canh cho thấy không chỉ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập mà còn bảo đảm khai thác, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.
Đẩy nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Xác định khoa học-công nghệ là một trong những giải pháp chính để tạo ra đột phá năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững, tỉnh Bắc Giang đã dành hàng chục tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ nghiên cứu, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy các địa phương trong tỉnh đã xây dựng thành công 246 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt giá trị gia tăng gấp 2-3 lần so với cách làm cũ.
Về giống, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo nghiệm, bổ sung vào cơ cấu mùa vụ được nhiều giống cây trồng năng suất, chất lượng cao như, lúa lai; lạc; khoai tây, rau măng tây xanh, dưa chuột bao tử; các giống cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi đỏ Hòa Bình; cam đường Canh, cam V2, ổi; nhãn; bơ MC7, chè...
Đặc biệt là đã sản xuất thành công các giống nấm ăn, nấm dược liệu cấp 1, cấp 2; Nghiên cứu, xây quy trình điều chế cao lỏng, cao khô dược liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng RegluBG từ cây địa hoàng trồng ở địa phương. Đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm nam núi Dành, cây trà hoa vàng...
Về kỹ thuật canh tác, đã cơ giới hoá đồng bộ các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch và áp dụng rộng rãi kỹ thuật canh tác SRI "3 giảm 3 tăng" trong thâm canh lúa; Áp dụng kỹ thuật che phủ nilon trong thâm canh lạc; Sử dụng công nghệ nhà màng, nhà khí canh để sản xuất khoai tây giống; Xây dựng được nhiều nhà kính, nhà lưới cho trồng rau, quả VietGAP. Đồng thời triển khai tưới nước tiết kiệm (công nghệ Israel) trong thâm canh chè, cây ăn quả và một số cây rau màu khác; Xây dựng thành công kho bảo quản rau, củ, quả bằng công nghệ kiểm soát môi trường bên trong.
Nhờ những giải pháp căn bản nêu trên, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã vượt qua nhiều khó khăn (biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên người và gia súc...), đạt tốc độ tăng giátrị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2017-2020 là 2,5%năm. Góp phần nâng thu nhập bình quân khu vực nông thôn từ 34,1 triệu đồng/người/năm2017 lên 42 triệu đồng/người/năm 2020.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang đạt được những kết quả trên là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc định hướng, tạo cơ chế phù hợp phát huy lợi thế, thế mạnh từng địa phươngtrong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong điều kiện bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh khó lường, chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh chính là khoa học công nghệ, bằng giống, quy trình chăm sóc, bằng quy trình sản xuất, từ đó tăng giá trị, tăng thu nhập.
Thời gian tới, ông Tùng cho biết tỉnh Bắc Giang tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, hữu cơ, các chế phẩm sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển giao kỹ thuật, quản lý sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, chú trọng mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, chất phụ gia, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản.
(Bài viết thuộc chuyên đề KHUYẾN NÔNG VỚI ĐỒNG BÀO DTTS)