Nỗi nhớ dẫn tôi về làng quê của ngày xa xưa ấy, nơi bắt đầu bằng những chộn rộn từ cuối tháng Chạp. Dân làng đều chung tay góp sức tất bật dọn dẹp từng con đường, ngõ xóm, tân trang nhà cửa đón Tết.
Ngày ấy, chưa có các ứng dụng công nghệ như bây giờ, khi chỉ cần nhấc điện thoại lên, một loáng là có thể sắm được cả cái Tết. Bởi thế, tất cả đều tìm về chợ quê với nếp sinh hoạt thuần nông, bày bán la liệt những mặt hàng nông sản, thủ công “tự sản tự tiêu” của những người nông dân. Họ quẩy hàng đi chợ Tết có khi chỉ để bán mấy nếp lá dong, một vài nải chuối xanh, cây mía, trái bưởi; người chăn nuôi được thì mang cặp gà trống thiến, vài con gà mái hoa mơ bán để lấy tiền chi tiêu ngày Tết.
Cứ vào độ 25 tháng Chạp trở đi, tôi vẫn thường có thói quen theo chân mẹ đi chợ Tết. Chen lách qua những cành đào trong lấm tấm mưa phùn, bắt gặp những chú tò he lung linh sắc màu, những ánh mắt trẻ thơ vừa háo hức, vừa lạ lẫm được mẹ dắt đi giữa vồn vã tiếng chào mua.
Nhiều người vẫn thường bảo, chưa đi chợ Tết quê là chưa hiểu hết Tết. Đi chợ để vừa thăm thú thưởng ngoạn, vừa quan sát chiêm nghiệm mà nhận thấy hiếm có một không gian nào mà vị Tết hương Xuân lại tề tựu đủ đầy và tạo thành một cảm thức Tết nồng nã đến vậy.
Tết quê xưa, từ trong ký ức ấu thơ, tôi thương đến nghẹn lòng nỗi nhọc nhằn, âu lo của mẹ cha hòa lẫn trong tiếng thở dài thành câu cửa miệng mỗi khi Tết đến: “Lại Tết rồi. Con nít thì mừng, người lớn thì lo”. Và rồi lại tìm thấy trong ánh mắt mẹ lấp lánh niềm vui khi cũng đắp đổi được bằng dăm cái bánh chưng, vài cân thịt lợn. Tôi yêu những món ăn dân dã từ nồi thịt kho tàu, hũ dưa… được bàn tay mẹ nâng niu, gửi gắm bằng cả ân tình.
Những ngày cuối tháng Chạp, như một thói quen được lập trình, tôi chưa hề quên việc theo chân bố đi tảo mộ, tỉ mẩn cắt tỉa từng đám cỏ, sửa sang lại mộ phần ông bà, thay cát mới cho lư hương trên bàn thờ gia tiên... Những việc làm hiếm hoi dịp cuối năm đều đặn lặp lại song vẫn dậy lên trong tâm thức tôi bao xúc cảm thật khó gọi tên.
Ở quê, ngày cuối năm hàng xóm láng giềng vẫn duy trì thông lệ đánh đụng con bê, con lợn chia nhau ăn Tết. Đành rằng mỗi nhà có thể tự chủ động mua sắm, nhưng từ lâu nét sinh hoạt này đã trở thành sợi dây gắn kết nghĩa xóm tình làng, giúp mọi người có dịp gần nhau hơn, nhỡ có xích mích gì cũng dễ dàng hỉ xả, như tâm niệm đầy vị tha “giận gần chết ngày Tết cũng thôi”.
Chiều 30 Tết, mẹ thường chuẩn bị sẵn một nồi nước tắm được nấu bởi các loại cây mùi già, bạc hà, lá bưởi, khuynh diệp… để các thành viên tắm gội. Mẹ bảo, người xưa quan niệm ngày cuối năm được gột rửa bằng thứ “nước thơm” ấy sẽ giúp người người trút bỏ được những gì đen đủi năm cũ còn sót lại, đặc biệt là những ước nguyện chưa tròn hay những nỗi muộn phiền còn lẩn khuất canh cánh trong tâm tư...
Những mùa Xuân cũ, quên sao được cảm xúc rưng rưng khi nhìn từng làn khói bếp mùa Xuân chầm chậm len trên mỗi mái nhà. Trong mái ấm đơn sơ ấy là sự quây quần đông đủ cả gia đình bên mâm cơm đoàn viên để bao câu chuyện gần xa, vui buồn được tụ về nhỏ to san sẻ, để trả nợ lòng mình cho nhẹ nhõm, an yên.
Giữa bộn bề cuộc sống hiện đại hôm nay, những cái Tết vội vàng và giản tiện cứ tiếp nối theo về. Từ trong thẳm sâu ký ức, tôi chợt chạnh lòng thương nhớ nôn nao một bếp lửa đượm nồng tí tách reo vui, một tiếng pháo giao thừa rộn rã cả góc làng, một thoáng hương trầm quyện vòng khắc khoải chiều 30 Tết. Những điều làm nên cảm thức Tết đặn đầy một thuở đã từ lâu trôi vào xa vắng…