Bất an…
Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) Trương Văn Hóa kể: Từ đầu năm 2020, đã xuất hiện tình trạng sụt lún ruộng, sụt lún ven khe suối và cạn giếng nước tại các bản như bản Công, bản Na Hiêng. Đầu tháng 2/2022, còn xuất hiện tình trạng rạn nứt tường nhà ở, nứt nền nhà, lún móng nhà trên địa bàn bản Công, bản Poong, bản Na Hiêng và bản Na Noong.
Từ thông tin của lãnh đạo địa phương và qua khảo sát thực tế cho thấy, có rất nhiều ruộng lúa bị sụt thành những hố to, sâu từ 2m-3m, xung quanh đã được cắm chi chít những tấm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người dân đến gần. "Ruộng nhà mình cũng bị sụt rồi, chẳng dám đến gần đâu nên không dám sản xuất nữa", ông Vi Văn Hạnh ở bản Na Hiêng cho hay.
Rồi không chỉ những cánh đồng bị sụt lún, mà hàng trăm giếng nước cũng đang cạn trơ đáy, nhà cửa cũng nẻ toác, khiến người dân không chỉ khổ sở vì thiếu nước mà còn luôn sống trong tâm trạng bất an, lo lắng.
Chỉ tay vào vết nứt rộng gần một gang tay, chạy dọc bức tường của trường học, Hiệu trưởng trường mầm non xã Châu Hồng (Quỳ Hợp) Trần Thị Hòa cho hay: khoảng 1 tháng trước đã xuất hiện nứt nẻ bức tường. Nền gạch sau đó cũng bị bong tróc. Kể từ đó tới nay, vết nứt ngày càng lớn, khiến giáo viên và phụ huynh đều lo lắng.
Nhiều người dân địa phương cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng đang diễn ra rầm rộ từ hàng chục năm nay. Bởi người dân đã sống ở đây hàng chục năm, nhưng chưa bao giờ xuất hiện tình trạng tương tự. Hiện, trên địa bàn xã có đến 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá.
Trong khi đó, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng: Nguyên nhân là do ảnh hưởng địa chất, còn cụ thể hơn thì cũng chưa rõ như thế nào.
Báo cáo của UBND xã Châu Hồng cho thấy, có tới hàng trăm hộ dân nằm trong tình trạng nguy hiểm. Đến nay có 279 giếng nước sinh hoạt ở xã Châu Hồng đã bị khô cạn nước. Kể từ cuối tháng 2 đến nay, đã có 114 nhà rạn nứt, bao gồm: nứt tường, nứt nền nhà, lún móng nhà, đất vườn. Ước tính tổng thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.
Giải pháp tạm thời
Câu chuyện sụt đất, nứt nẻ nhà cửa, giếng cạn đã diễn ra từ nhiều năm nay, hàng loạt đoàn kiểm tra cũng đã vào cuộc, nhưng chưa lý giải được nguyên nhân để đưa ra các giải pháp lâu dài.
Từ năm 2021 đến nay, UBND xã Châu Hồng đã có nhiều báo cáo gửi UBND huyện Quỳ Hợp về việc sụt lún đất, nứt tường, nền nhà, khô cạn giếng để có chỉ đạo, cũng như hướng khắc phục. Để ứng phó, địa phương cũng đã phải phân công cán bộ theo dõi, nắm bắt địa bàn, để kịp thời báo cáo những diễn biến mới phát sinh, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân.
Trong các văn bản báo cáo, xã Châu Hồng đề nghị UBND huyện, UBND tỉnh, sở, ngành chuyên môn sớm kiểm tra, kết luận làm rõ nguyên nhân, đồng thời có hướng khắc phục sự cố để nhân dân an tâm trong cuộc sống. Hỗ trợ địa phương xây dựng nguồn nước sinh hoạt, vì hiện nay Nhân dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đồng thời, có kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình có nhà cửa bị nứt, sụt lún nặng.
Trước mắt, đối phó với tình trạng hàng trăm giếng nước bị cạn trơ đáy, người dân xã Châu Hồng đã phải bỏ số tiền lớn, mua đường ống kéo nước suối từ trên núi về để sử dụng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thông tin: Hai năm trước là sụt lún đất, khô cạn giếng nước của người dân; còn năm nay xuất hiện thêm tình trạng nứt nhà dân. Huyện đang rất nóng ruột và đặc biệt quan tâm đến tình trạng này, bởi mùa mưa bão đang đến gần. Địa phương đang phải ký hợp đồng thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ lên điều tra, xác định nguyên nhân.
Về giải pháp tạm thời, huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo xã tổ chức cắm biển cảnh báo, rào tre những khu vực sụt lún nguy hiểm; tích cực thông tin, tuyên truyền để Nhân dân yên tâm, không hoang mang. Huyện cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh và tỉnh đã đồng ý, về chủ trương đầu tư dự án cung cấp nước cho bà con, với kinh phí 6 tỉ đồng.
Đối với phương án hỗ trợ người dân có đất sản xuất bị sụt lún, nhà cửa nứt nẻ, ông Lợi cho hay: Đơn vị Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ đã khảo sát hiện trạng được 1 tuần. Khi có kết luận cuối cùng, huyện sẽ làm báo cáo trình và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh về việc xử lí, hỗ trợ bà con. Trong trường hợp nếu vùng đất không an toàn, thì cũng phải tính đến phương án tái định cư hay hỗ trợ sửa chữa lại nhà hư hỏng.