Tại hiện trường lễ hội, cảnh sát thu được “bóng cười”, một số viên nén nghi ma túy tổng hợp. Chỉ đến khi có những cái chết đột ngột của 7 con người trong đêm nhạc hội lớn, nhiều gia đình mới giật mình vì trong suy nghĩ của họ con cái đều rất “ngoan”.
Những câu hỏi, chất vấn trong các cuộc họp báo của thành phố, sở văn hóa, Công an Hà Nội đều được đưa ra, để trả lời một câu hỏi: trách nhiệm vụ việc này thuộc về ai? Thế nhưng, chúng ta phải thừa nhận rằng, kiểm soát vấn đề ma túy trong một sự kiện văn hóa lớn hàng nghìn người như vậy là không hề dễ dàng, nhất là khi các khán giả tham gia không mang tâm thế của một người đi thưởng thức văn hóa thật sự mà biến nó trở thành nơi tụ tập, đua đòi, sa đọa.
Hiện trạng nhức nhối hiện nay là một bộ phận giới trẻ đang có đạo đức, lối sống lệch chuẩn, thiếu trách nhiệm với bản thân. Không chỉ qua vụ việc này chúng ta mới nhìn thấy, sự buông thả thiếu trách nhiệm ấy còn thể hiện ở sự lười biếng trong tư duy, công việc, học tập, thích hưởng thụ, dễ dãi với tình yêu, tình dục, nhân sinh quan cuộc sống… của không ít thanh niên.
Lâu nay, vấn đề trách nhiệm cá nhân vẫn chưa được đặt lên hàng đầu, khi trước mỗi sự việc đều cố gắng tìm ra người chịu trách nhiệm. Đặt câu hỏi ngược lại rằng, nếu 7 người trẻ kia đều sống có trách nhiệm, kỷ luật với chính mình, nếu gia đình quan tâm giáo dục đúng mức, liệu sự việc đau lòng kia có xảy ra không?
Cái chết của 7 thanh niên không chỉ là nỗi đau của gia đình, người thân họ mà còn là sự cảnh tỉnh với cả xã hội, những người trẻ về văn hóa, lối sống của bản thân. Đừng làm biến dạng những giá trị nhân văn của dân tộc bằng những lối sống lai căng. Bởi để một đất nước thịnh vượng thì nền móng vẫn là văn hóa của con người, mà điều ấy phải được xây dựng từ những người trẻ.
HỒNG PHÚC