Nhất là việc bà con đang hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc đội MBH khi đi xe mô tô, xe gắn máy (2007-2017), tỷ lệ người dân chấp hành đội MBH khi tham gia giao thông đã đạt hơn 90%. Việc đội MBH góp phần quan trọng trong kết quả giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 9.000 người mỗi năm cũng như hạn chế nhiều thương tích nặng.
Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng. Theo số liệu của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), qua 10 năm triển khai, lực lượng Công an đã kiểm tra, xử lý gần 7 triệu trường hợp không chấp hành đội MBH; qua xử phạt đã kết hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân.
Anh Pul Biu, một người dân ở xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa, Gia Lai), chia sẻ: Trước đây mình và nhiều gia đình không có nhiều thông tin về an toàn giao thông, nên đi xe mình không có bằng, không đội MBH nhưng không biết là mình vi phạm. Được cán bộ nhắc nhở, mình hiểu nên quyết đi học và đi thi để có bằng lái xe và phải đội MBH khi tham gia giao thông.
Để giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi có thói quen đội MBH khi tham gia giao thông, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo. Với việc huy động các nguồn lực cả từ ngân sách lẫn xã hội hóa, hàng nghìn chiếc MBH chất lượng đã được trao tặng cho các hộ nghèo.
Ngoài ra, năm 2016, Ủy ban ATGT quốc gia còn phát động cuộc thi thiết kế MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái. Theo phong tục của người Thái, phụ nữ có chồng phải búi tóc (tằng cẩu) nên việc đội mũ MBH thông thường chỉ mang tính hình thức, không đảm bảo đúng quy cách và không an toàn. Tháng 4/2017, 4.000 chiếc MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái (gọi là mũ “tằng cẩu”) đã được trao tặng cho những phụ nữ dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình "Vận động hỗ trợ MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn" do Ủy ban ATGT quốc gia phát động.
Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cũng được các cấp, ngành, địa phương chú trọng. Đáng chú ý là việc tuyên truyền mọi tầng lớp nhân dân thực hiện được, trong đó chú trọng đối tượng là học sinh các cấp học. Ở nhiều cơ sở giáo dục, nội dung tuyên truyền Luật ATGT và quy định về việc đội MBH thường xuyên được thực hiện thường xuyên trong những buổi học ngoại khóa, vừa tạo niềm phấn khích cho học sinh, vừa có tác dụng như “mồi lửa” để lan tỏa trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Em Lê Ngọc Nhi, lớp 5A1, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP. Sơn La) chia sẻ: Khi được các chú CSGT hướng dẫn, chúng em đã hiểu được tầm quan trọng của việc đội MBH khi ngồi trên xe máy. Vì vậy, khi tham gia giao thông, cháu không bao giờ quên đội mũ, có lúc bố mẹ cháu quên, cháu còn nhắc bố mẹ phải đội MBH mới được tham gia giao thông.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố sẽ mở các đợt cao điểm ra quân, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không đúng quy cách tại các tuyến giao thông nông thôn, đường liên huyện, liên xã, các địa bàn vùng sâu, vùng xa; tăng cường kiểm tra trong các dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày. Công tác tuyên truyền cũng sẽ được đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức để nâng cao nhận thức của người dân về việc chấp hành quy định đội MBH đúng quy chuẩn, quy cách.
Ngày 19/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Chỉ thị đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đội MBH đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với người lớn là 95%, đối với trẻ em là 80% vào năm 2020.
N.TUẤN