Chia sẻ từ Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện
Đại hội điểm cấp huyện đầu tiên trong khu vực Tây Nam bộ được diễn ra tại huyện Long Mỹ ( Hậu Giang), nơi có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm không cao nhưng hầu hết là dân tộc Khmer. Do đó, Chỉ thị 19 được xem là kim chỉ nam trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của địa phương. Thông qua việc thực hiện Chỉ thị, trong năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm được 4% (năm 2017 chỉ hơn 2%).
Công tác đào tạo, phát triển đội ngũ chức sắc, công tác cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào Khmer được quan tâm. Chia sẻ tại Đại hội, đại biểu Thị Hồng Thoa, sinh năm 1994, cán bộ thuộc Đội cảnh sát Quản lý hành chính huyện bộc bạch: “Cũng như nhiều người DTTS, tôi là người Khmer, may mắn sinh ra và lớn lên luôn được thụ hưởng những chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Từ việc đi học đến khi ra trường, tôi đều nhận được sự hỗ trợ, được bố việc làm rất thuận lợi. Tôi rất phấn khởi và biết ơn rất nhiều…”.
Tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vừa qua, sư Thạch Phong, sinh năm 1986, đại biểu dự cũng bày tỏ: Đối với sư, đại đoàn kết các dân tộc và sự gắn kết cộng đồng Phật tử là truyền thống quý báu, là nét đẹp văn hoá mà ai cũng phải gìn giữ và phát huy. Bên cạnh đó, bà con cũng cần phải giữ gìn tiếng nói, chữ viết. Những năm qua, để giúp bà con nói và viết được tiếng mẹ đẻ của mình, sư cùng với các sư chùa Kal Bop Ruk đã tham gia dạy hè cho 7 lớp học với 160 phật tử nhằm bảo tồn và phát huy tiếng mẹ đẻ. Đây cũng là nội dung thể hiện trong Chỉ thị 19 mà các chùa Khmer quan tâm thực hiện...
Hướng tới phát triển toàn diện
Để vùng đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục phát triển bền vững trên các lĩnh vực, Chỉ thị 19 của Ban Bí thư yêu cầu, đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân thực hiện tốt 7 nhiệm vụ quan trọng. Đó là, phát triển toàn diện kinh tế-xã hội; xóa mù chữ cho đồng bào Khmer; Đầu tư y tế, giáo dục, quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer...
Bên cạnh đó, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; Quan tâm bảo vệ di sản văn hóa chùa chiền dân tộc Khmer, phát triển đội ngũ chức sắc, phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Ban quản lý chùa và Người có uy tín; Thực hiện tốt công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer. …
Ông Trần Hoàng Duyên, Trưởng Ban Dân tộc-Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh Bạc Liêu hiện có 114.400 người dân tộc Khmer, chiếm 5,17% dân số tỉnh. Vì thế, tỉnh đã phổ biến Chỉ thị 19 đến tất cả các sở, ban ngành tỉnh và phòng dân tộc các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức triển khai đến hơn 100 vị có uy tín trong đồng bào DTTS, sư sãi, Ban quản trị các chùa Khmer cùng người dân ở 10 xã và 41 ấp có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển.
Qua đó, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt; Chỉ thị được cụ thể hoá cho từng lĩnh vực trong vùng đồng Khmer. Dấu ấn là, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Khmer có thêm điều kiện thuận lợi để duy trì, phát triển bằng các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer.
Đặc biệt hơn, trước đó, tại buổi Họp mặt Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm 2019 do Ủy ban Dân tộc tổ chức, đồng bào dân tộc Khmer vinh dự được Thủ tướng Chính phủ đến dự và chủ trì buổi họp mặt. Nói về sự kiện này, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xúc động nói: “Đây là niềm khích lệ rất lớn đối với toàn thể chư tăng và đồng bào Khmer. Tôi bày tỏ lòng biết ơn trân trọng đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước có sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ vì sự phát triển của đồng bào dân tộc và Phật giáo Nam tông Khmer; không chỉ thể hiện trên văn bản chỉ đạo mà rất sâu sát, tận tâm, tận lực thực hiện những việc rất cụ thể…”.
Có thể thấy, Chỉ thị 19 đang tạo sức bật quan trọng trong phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer…
H.NGUYÊN